49 năm trước, trận tiến công tiêu diệt Yếu khu Trảng Bom ngày 27-4-1975 của Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 ngày ấy, Quân khu 4 ngày nay) có sự giúp sức quan trọng của quân dân Đồng Nai.
Các cựu chiến binh Nguyễn Đức Danh (thứ 2 từ trái qua) và Nguyễn Anh Thỉa kể lại trận đánh Trảng Bom cho thế hệ lực lượng vũ trang huyện Trảng Bom hôm nay. Ảnh: N.Hà |
Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng gần 10 ngàn dân, làm chủ một đoạn đường dài 14km từ ngã ba Sông Thao đến phía Tây Trảng Bom. Đây là một trong những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trong toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan một “mắt xích cứng” trên Đường số 1 thuộc hệ thống phòng thủ trọng yếu phía Đông Sài Gòn, mở đường cho quân chủ lực của ta kịp thời giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn vào ngày 30-4-1975.
Trận đánh nhiều dấu ấn
Trong căn nhà nhỏ tại ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), 2 cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Danh và Nguyễn Anh Thỉa vẫn nhớ như in từng chi tiết khi tham gia đánh trận Trảng Bom cách đây gần nửa thế kỷ. Ở cương vị chiến sĩ liên lạc của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 ngày ấy, ông Nguyễn Đức Danh kể lại: “Điều tôi nhớ nhất là lần đầu tiên nhìn thấy loại đạn của địch có mức độ sát thương cao nhưng không biết là loại gì. Chỉ đến trưa 27-4-1975, khi quân ta làm chủ Yếu khu Trảng Bom thì mới biết đó là đạn M72, một loại khí tài mới đã gây sát thương và hy sinh nhiều đồng đội của tôi”.
Cũng theo ông Danh, ký ức khiến ông không quên nữa chính là trước khi bước vào trận đánh Trảng Bom, ông cùng đơn vị được gặp đại tá Trần Nguyên Độ, nguyên Chính ủy Sư đoàn 341.
“Câu đầu tiên thủ trưởng hỏi chúng tôi: “Các cậu có muốn về quê thăm mẹ không?”. Tất cả chúng tôi ồ lên: “Dạ có thủ trưởng”. Đại tá Trần Nguyên Độ nói tiếp: “Các cậu sẽ tập trung đánh thắng 3 trận nữa gồm: Trảng Bom, Biên Hòa, Sài Gòn”. Vì vậy, khi quân ta làm chủ Trảng Bom, chúng tôi rất vui mừng và nhớ như in mật khẩu hỏi đáp đầy ý nghĩa của Chiến dịch Trảng Bom rạng sáng 27-4-1974” - ông Danh kể.
CCB Nguyễn Anh Thỉa nhớ lại lời quán triệt khi ông được lệnh đi B (vào Nam năm 1974): “Trước ngày lên đường cuối năm 1974, chúng tôi được quán triệt chuyến đi này là “đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến ngày toàn thắng”. Thắng lợi của Yếu khu Trảng Bom đã tạo đà để các đơn vị chủ lực ta toàn thắng xông lên giải phóng Biên Hòa vào ngày 28-4 và thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước”.
Ánh mắt xa xăm hồi tưởng phút giây hạnh phúc khi thắng lợi trong trận Trảng Bom ngày ấy, CCB Nguyễn Anh Thỉa trầm giọng kể rằng, thắng lợi nào cũng có hy sinh; hòa bình, độc lập phải trả giá bằng rất nhiều máu xương của đồng chí, đồng đội.
“Chỉ riêng trận đánh Chơn Thành tại quốc lộ 13 trên hành trình về Xuân Lộc mở “cánh cửa thép” phía Đông, 2 đại đội 5 và 7 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 của chúng tôi đã hy sinh hết phân nửa. Các anh không kịp chứng kiến ngày đất nước độc lập, không còn may mắn được trở về đoàn tụ với người thân. Với chúng tôi, được may mắn trở về phải sống thật ý nghĩa, sống thay đồng đội đã khuất và xứng danh Đoàn Sông Lam anh hùng” - ông Thỉa bồi hồi nói.
Hôm nay 23-4 tại Đồng Nai, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp với Đồng Nai, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 tổ chức Hội thảo khoa học Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm.
Ý nghĩa lớn với Chiến dịch Hồ Chí Minh
Là nhân chứng trực tiếp trong trận đánh Trảng Bom, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), thiếu tướng, GS-TS-NGND Nguyễn Văn Tài cho rằng, thắng lợi của Sư đoàn 341 trong Chiến dịch Trảng Bom ngày ấy thực sự có dấu ấn đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thắng lợi này đã tiêu diệt mục tiêu then chốt trên tuyến phòng ngự chiến lược mạnh nhất, quan trọng nhất của địch, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông. Đặc biệt, trận đánh diễn ra đúng phương án tác chiến, ta nổ súng tiến công lúc 4h5 đến 8h30, quân ta đã cơ bản tiêu diệt Yếu khu quân sự Trảng Bom, làm chủ địa bàn.
Có thể nói, với thắng lợi ở Trảng Bom (10h30 ngày 27-4-1975), Sư đoàn 18 của chính quyền Sài Gòn chính thức bị xóa sổ. Đám tàn quân tan rã co cụm về Hố Nai - Biên Hòa cố thủ. Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 của chính quyền Sài Gòn được coi là “người hùng” với những tuyên bố “tử thủ” đã phải bỏ chạy về Long Bình, sau đó cải trang trốn chạy về Sài Gòn.
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho hay, thắng lợi của trận đánh cách đây 49 năm của Sư đoàn 341 khẳng định có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Tỉnh ủy Biên Hòa - U1. Đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội và du kích địa phương, trận đánh diễn ra với không gian rộng, thời gian ngắn, khép chặt vòng vây, táo bạo trong chiến thuật tiến công.
“Những bài học từ thắng lợi của chiến thắng Trảng Bom mãi còn nguyên giá trị trong tiến trình xây dựng, phát triển Trảng Bom thời gian qua và sẽ tiếp tục được huyện thực hiện hiệu quả thời gian tới, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng huyện thành thị xã vào cuối nhiệm kỳ” - đồng chí Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin