49 năm đã qua, nhiều chiến binh năm xưa không còn nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu trận chiến nhưng ký ức về những ngày tháng tư và nhất là ngày toàn thắng thì dường như chẳng ai quên.
Ông Nguyễn Văn Thiệp (bìa phải, ngụ khu phố 1, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tham gia triển khai nhiệm vụ đánh trận Phước Long (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 4, ông Nguyễn Văn Thiệp (ngụ khu phố 1, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) lại lần tìm danh bạ điện thoại, gọi cho đồng đội năm xưa để ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu hào hùng.
* Những năm tháng không thể nào quên
Ông Thiệp cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình 5 anh em, cha mẹ mất sớm. Năm 16 tuổi, theo gương những người anh trai, ông tình nguyện tòng quân đánh giặc. Ngày 1-8-1964, ông hành quân về đơn vị thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, đóng tại tỉnh Sơn La.
Ông Thiệp kể, nhận thông tin Mỹ sẽ ném bom miền Bắc nên thay vì hành quân bằng xe ô tô về đơn vị, ông cùng đồng đội hành quân bộ theo đường rừng. Đến đêm mới dừng lại nghỉ ngơi, ăn cơm, nhưng tuyệt đối không được mở đèn. Phải mất một tuần hành quân, ông và đồng đội mới về đến nơi.
Khoảng năm 1965, Việt Nam tiếp tục tăng cường các đơn vị tình nguyện và chuyên gia giúp bạn. Đơn vị của ông Thiệp là một trong những đơn vị tình nguyện sang Lào phối hợp với quân và dân chiến đấu đánh bại các cuộc hành quân của địch. Trải qua 2 đợt chiến đấu ở Lào, cuối năm 1965, ông trở về và được chọn cử đi học tại Trường Sĩ quan công binh (tỉnh Bắc Ninh). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sĩ quan công binh, ông được bổ sung về Trung đoàn 27 (đóng tại tỉnh Quảng Trị) và được phân công làm trợ lý công binh. Tại đây, ông Thiệp đã tham gia cùng đồng đội đánh nhiều trận làm tiêu hao sinh lực địch.
Cuối năm 1972, ông tiếp tục được bổ sung về đơn vị công binh (sau này thuộc Lữ đoàn Công binh 25, Quân đoàn 4, nay là Lữ đoàn Công binh 550, Quân đoàn 4) với vai trò Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng. Nhiệm vụ của đơn vị ông là đêm đêm dùng mìn đánh phá giao thông trên tuyến đường 13 - đây là con đường duy nhất vận chuyển vũ khí quân dụng cho quân đội Sài Gòn và Mỹ tại Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Bình Long, Phước Long (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay).
Nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có chuyển biến theo hướng có lợi cho cách mạng. Đảng Lao động Việt Nam đã họp và xác định sẽ mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Thực hiện chủ trương này, từ đầu mùa khô năm 1974, quân và dân trên chiến trường miền Nam đã đẩy mạnh hoạt động đấu tranh quân sự. Tại Đông Nam Bộ, Quân ủy, Bộ Chỉ huy miền giao cho Quân đoàn 4 (vừa thành lập tháng 7-1974) mở Chiến dịch đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn.
Theo lời kể của ông Thiệp, trong Chiến dịch đường 14, đơn vị ông đã góp phần đưa hàng trăm xe các loại qua sông; sửa chữa, làm mới nhiều km đường giao thông, làm hàng chục cầu, ngầm, dỡ bỏ hàng chục ngàn quả mìn các loại, đảm bảo giao thông qua các đơn vị chủ lực khác của Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Phước Long...
Sau khi hoàn thành giải phóng Phước Long, tháng 3-1975, đơn vị ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia giải phóng Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Sau đó, hành quân qua đường 14, vượt sông Sài Gòn sang phía Đông tham gia trận đánh Xuân Lộc. Trong trận này, đơn vị ông được phân công phục kích địch ở khu vực Túc Trưng - Gia Kiệm, tham gia giải phóng Trảng Bom, tiến vào giải phóng Biên Hòa và tiến về Sài Gòn. Trưa ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị ông được phân công tiếp quản khu vực Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa…
* Hân hoan, phấn khởi trong ngày toàn thắng
Theo cuốn Địa chí Đồng Nai (tập III) ghi chép lại: Ngày 31-3-1975, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, với tư tưởng chỉ đạo là "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy miền đã quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc đập tan tuyến phòng thủ của địch ở phía Đông Sài Gòn. 5h30 ngày 9-4-1975, trận tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc mở màn. Cho đến 8h ngày 21-4-1975, ngụy quân, ngụy quyền ở Long Khánh tháo chạy và tan rã hoàn toàn. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan - cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn của đại quân ta được mở.
Ông NGUYỄN HIẾU NGHĨA (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho rằng, chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã thống nhất, nhân dân có cuộc sống hòa bình nhưng chúng ta không được lơ là với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả của cách mạng. |
Trong khi Chiến dịch Xuân Lộc đang diễn ra, ngày 16-4-1975, Thành ủy Biên Hòa ra nghị quyết về Tổng công kích và nổi dậy ở thị xã Biên Hòa. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tại Biên Hòa, trận địa pháo tầm xa 130 ly ở Hiếu Liêm (Chiến khu Đ) nã đạn dồn dập vào Căn cứ Sân bay Biên Hòa. Các sư đoàn bộ binh đồng loạt tấn công đánh chiếm các điểm như: Yếu khu Trảng Bom, căn cứ địch dọc quốc lộ 1 đến Hố Nai, Căn cứ Nước Trong, Chi khu Long Thành, Phân khu Phước Thiền, Tổng kho Long Bình, Cụm bố phòng Bến Gỗ, cầu Hóa An, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, Sân bay Biên Hòa…
Đặc biệt, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn Đặc công 113 tập kích căn cứ tại Hóc Bà Thức bắt sống tên chỉ huy… 6h ngày 30-4-1975, cờ ba que ở Tòa Hành chính Biên Hòa bị hạ xuống, thay vào đó là lá cờ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quê hương, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (ngụ khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đang lục tìm lại kỷ niệm qua những giấy tờ cũ. Ảnh: N.Sơn |
Hình ảnh về ngày toàn thắng cách đây 49 năm vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (ngụ khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Ông Nghĩa cho biết, 21 tuổi, ông thoát ly tham gia lực lượng biệt động của thành phố Biên Hòa - chuyên làm nhiệm vụ điều nghiên nơi đóng quân, nơi ở của địch và dùng lực lượng nhỏ đánh bất ngờ, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch. Sau 13 năm làm biệt động, năm 1973, ông được điều về Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (huyện Vĩnh Cửu). Ở đây, ông nắm được chủ trương cuộc tổng tiến công nên có sự chuẩn bị sẵn sàng. Khi cuộc tổng công kích và nổi dậy, ông Nghĩa không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng là lực lượng nhận nhiệm vụ trở về Biên Hòa để tiếp quản, bảo vệ các cơ sở mà quân ta đã chiếm.
"Dọc đường trở về Biên Hòa, đâu đâu cũng thấy lực lượng bộ đội của ta, tôi biết ngày giải phóng đang tới gần, những ngày gian khổ hy sinh sắp qua nên rất phấn khởi" - ông Nghĩa kể lại.
Về tới Biên Hòa đúng vào ngày toàn thắng, ông Nghĩa có cơ hội chứng kiến trọn vẹn niềm hân hoan, phấn khởi của người dân Biên Hòa lúc bấy giờ. Theo chia sẻ của ông Nghĩa, người dân Biên Hòa phấn khởi kéo nhau đi hàng đoàn, treo cờ Tổ quốc, chào mừng ảnh Bác Hồ…
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin