Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò giám sát trong khu dân cư

Sông Thao
07:20, 04/04/2024

Xã An Phước (huyện Long Thành) có đến 23 cơ sở Phật giáo; 1/3 trong tổng số 37 ngàn dân của xã là người từ các nơi khác đến tạm trú…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước (huyện Long Thành) Nguyễn Minh Điền bên thùng nhân đạo do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phát động từ năm 2019.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước (huyện Long Thành) Nguyễn Minh Điền bên thùng nhân đạo do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phát động từ năm 2019. Ảnh: Sông Thao

Vì vậy, trong quá trình thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước đã kết nối các tầng lớp Nhân dân, phát huy vai trò giám sát trong xây dựng công trình cộng đồng, tham gia vào công tác an sinh xã hội.

Điểm sáng trong giám sát  

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện 31 cuộc giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng, đây là con số rất ấn tượng khi so sánh với nhiều địa phương cùng cấp trong tỉnh trong thực hiện công tác giám sát.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành NGUYỄN TẤN HƯNG, với những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ, mới đây Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước đã được chọn là xã đầu tiên tổ chức Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024-2029 của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước Nguyễn Minh Điền cho biết, Ban Đầu tư - giám sát cộng đồng xã hiện do Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm Trưởng ban và đại diện các hội đoàn thể, ban ấp là thành viên. Ban này đại diện cho nhân dân trực tiếp giám sát, có ý kiến trong quá trình thi công các công trình giao thông nông thôn. Những ý kiến phản ánh đã kịp thời được chuyển đến Đảng ủy, UBND xã, từ đó truyền tải đến với chủ đầu tư, đơn vị thi công để kịp thời điều chỉnh.

Chẳng hạn, khi thi công tuyến đường An Phước - Tam An, người dân đã nhận ra điểm bất hợp lý trong việc thi công vị trí cống thoát nước, lo sợ điều này sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ nước trong khu dân cư khi mưa lớn. Do đó, Ban Đầu tư - giám sát cộng đồng đã có ý kiến với chủ đầu tư về việc này. Chủ đầu tư đã tiếp thu và điều chỉnh hệ thống thoát nước của con đường phù hợp hơn.

Một trường hợp khác là khi thi công tuyến đường ấp 7-8, vật liệu xây dựng để tràn ra nền đường, các hố nước thiếu rào chắn nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người đi đường. Ban Đầu tư - giám sát cộng đồng đã trao đổi với đơn vị thi công và sau đó nhà thầu nhanh chóng có sự điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc kết nối chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia vào quá trình giám sát xây dựng địa phương cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chú trọng thực hiện.

Cụ thể, trong quá trình hình thành các tuyến đường, nhiều nơi xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa, hay khi các hộ dân ở khu vực cao xả nước ra đường làm nước chảy xuống nhà các hộ dân ở nơi thấp hơn. Chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo đã chủ động kiến nghị với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ban ấp những vấn đề này để từ đó kịp thời có ý kiến với đơn vị thi công.

Trong số 23 cơ sở Phật giáo trên địa bàn, có nhiều địa điểm nuôi dưỡng, chăm sóc những trường hợp cao tuổi. Chức sắc, chức việc các tôn giáo mong muốn thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tác động đến cơ quan chức năng hỗ trợ để làm căn cước công dân cho những trường hợp này vì đa phần họ không còn giấy tờ tùy thân, việc đi lại xác minh nhân thân là điều rất khó. Từ thực tế đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ban ấp đã kiến nghị với các cơ quan liên quan hỗ trợ cho các cơ sở tôn giáo.

Ni sư Thích nữ Hạnh Chiếu, Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Trí Đức (xã An Phước), cho hay thời gian qua, thiền viện thường xuyên đón đoàn chính quyền địa phương đến thăm hỏi, nhất là trong các dịp lễ trọng. Trong quá trình hoạt động, thiền viện cũng hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương trong bảo vệ cảnh quan môi trường, quan tâm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Thùng từ thiện “góp gió thành bão”

Song song với kết quả tích cực trong quá trình giám sát đầu tư xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước còn xây dựng nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực. Một trong số này có mô hình Chung tay chắp cánh ước mơ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Để có kinh phí duy trì mô hình, ngoài thùng nhân đạo đặt ở UBND xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp đặt 10 thùng nhân đạo tại các nơi buôn bán có đông người lui tới. Khi khui thùng nhân đạo đều có sự chứng kiến của đại diện nhân dân và đây cũng là những người được cử đếm tiền. Số tiền thu được mỗi năm từ những thùng này dao động từ 15-20 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều học sinh nghèo đã được giúp đỡ để đến trường thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, xã có hơn 10 ngàn người từ các nơi khác đến ở trọ, rất nhiều trong số này có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp cùng các ngành liên quan, ban ấp, đoàn thể dành nhiều sự quan tâm cho đối tượng yếu thế này. Đồng thời, để nắm bắt nhanh thông tin xảy ra ở khu dân cư, các nhóm Zalo cộng đồng do Ban công tác Mặt trận quản lý đã phát huy tác dụng rất lớn trong lan tỏa thông tin.

Từ mô hình trợ giúp người khó khăn, nhiều người ở trọ bị tai nạn không có tiền điều trị hay người ở trọ qua đời không có người thân lo liệu đã được trợ giúp.

Bà Nguyễn Thị Thanh (buôn bán tạp hóa tại nhà ở ấp 7) cho hay, vừa qua, một trường hợp là trụ cột gia đình bị tai nạn bất ngờ và qua đời, gia đình không có khả năng lo hậu sự. Khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ban ấp đã đứng ra kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Nhờ vậy, người mất đã được lo chu toàn hậu sự, được đưa về quê an táng.

Sông Thao

Tin xem nhiều