Xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) anh hùng không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là nơi thiên nhiên hữu tình, con người sống nhân ái, đoàn kết.
Du khách tham quan ruộng sen của người dân xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Ảnh:Đ.Phú |
Đổi thay mạnh mẽ
Những ngày cuối tháng 4-2024, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Xóm Hố (xã Phú Hội) Nguyễn Thị Bế (tên thường gọi Năm Bế, 67 tuổi) tất bật cùng hội viên phụ nữ, nhân dân trong ấp triển khai dọn dẹp vệ sinh, trang trí các tuyến đường để chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024). Ngoài ra, bà Năm Bế còn cùng Ban Điều hành ấp thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của địa phương.
Bà Năm Bế bày tỏ, ấp Xóm Hố có nhiều điểm đáng tự hào như: có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; có diện tích lớn cây ngon, trái ngọt. Đặc biệt, người dân trong ấp đã bỏ ra số tiền trên 16,4 tỷ đồng và hiến đất để cùng địa phương bê tông hoặc nhựa hóa, mở rộng những con đường mòn nhỏ hẹp (từ 0,5-1m) thành đường rộng 6-9m, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Hội LÊ ĐỨC TÀI cho biết, ông luôn tự hào về truyền thống yêu nước, kiên trung của người dân vùng đất Phú Hội anh hùng. Chính vì vậy, trong quá trình đề ra chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, địa phương rất quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ, xây dựng mối quan hệ giữa “ý Đảng, lòng dân”.
“Mấy con đường mòn này hồi xưa do người dân mở để bộ đội, du kích từ nơi ẩn nấp trong rừng vào nhà dân nhận tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và nắm thông tin. Nhờ đường mòn chằng chịt như mê cung tỏa đi khắp vùng mà kẻ địch không thể phát hiện được bộ đội, du kích vào ra nhà dân lúc nào” - bà Năm Bế kể.
Ấp Xóm Hố trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm cũng là nơi diễn ra những trận đánh kiên cường của nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng.
Là người con của xã Phú Hội anh hùng, ông Hồ Minh Lực (thương binh 2/4, 79 tuổi, ngụ ấp Xóm Hố) bày tỏ, dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng niềm tự hào về một vùng đất kiên trung, anh dũng vẫn mãnh liệt trong ông và nhiều người dân trong xã. Do đó, mỗi khi cùng người dân trong ấp treo cờ Tổ quốc trước nhà, trước ngõ để chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ông cảm nhận được sự thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc trào dâng.
Vùng đất Phú Hội xưa có rừng, đồng, sông, rạch chằng chịt… Nơi đây nổi danh với nguồn nước Mạch Bà trong mát, trà Phú Hội thơm lừng và cây trái ngon ngọt như: mít tố nữ, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Đặc biệt, trong kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, con người và vùng đất Phú Hội luôn kiên trung, anh hùng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, vùng đất này đã đóng góp rất nhiều sức người, của cải cho cách mạng với 261 liệt sĩ, 23 thương binh, 5 bệnh binh và 168 người có công với cách mạng. Đặc biệt, toàn xã hiện có 57 vợ, mẹ liệt sĩ được phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Phú Hội được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 1978).
Chuyển mình theo hướng đô thị hóa
Nói đến vùng đất Phú Hội anh hùng, người dân còn tự hào đây là vùng đất trù phú với nhiều cây ngon, trái ngọt nức tiếng xa gần, cùng những món ăn truyền thống được chế biến từ cây trái, vật nuôi địa phương. Đặc biệt, vùng đất này có dòng nước ngầm Mạch Bà và đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ tẩm, ướp ra trà Phú Hội thủ công thơm ngon độc đáo.
Những con đường mòn từ 0,5-1m được người dân ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) mở rộng ra từ 6-9m. |
Theo các bậc cao niên sinh sống tại vùng đất Phú Hội, trước năm 1975, vùng đất Phú Hội với bạt ngàn vườn cây ăn trái và đồi trà. Cây trà được người dân trồng độc canh hoặc xen canh trong các vườn cây ăn trái như: chôm chôm, mít, sầu riêng... Thời gian đó, ở Phú Hội có 3 cơ sở chế biến trà Phú Hội quy mô lớn và hàng trăm hộ gia đình rang, ướp trà theo kiểu thủ công. Nay toàn xã Phú Hội chỉ còn khoảng 20 hécta trồng trà và gần 50 hécta cây ăn trái các loại. Nghề rang, ướp trà thủ công vẫn được người dân duy trì.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Lê Huy Sang cho biết, để cây ngon, trái ngọt và loại trà Phú Hội được lưu giữ, địa phương thực hiện nhiều chính sách khuyến khích nông dân về vốn, kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm qua các phương tiện thông tin. Nhất là vận động người dân giữ nghề trồng, ướp trà truyền thống, phục hồi giống và diện tích cây ăn trái trong vườn nhà.
“Dù địa phương sẽ phát triển theo hướng đô thị nhưng tôi vẫn mong giữ được nét đặc trưng của vùng cây trái ngọt ngon nức tiếng, gìn giữ được đặc sản trà Phú Hội để con em Phú Hội đi xa luôn có cái để nhớ về quê hương và giới thiệu với du khách xa gần” - ông BẢY KIÊN (81 tuổi, ngụ xã Phú Hội) bày tỏ.
Xã Phú Hội có trên 10 ngàn dân, diện tích tự nhiên trên 1.918 hécta, với 4 đơn vị hành chính ấp: Xóm Hố, Đất Mới, Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2. Từ một xã thuần nông, đến nay xã Phú Hội đã chuyển mình theo hướng đô thị hóa, tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - thương mại chiếm trên 90% tổng giá trị kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Phú Hội vẫn giữ được những vườn cây ăn trái xanh mát, cho ra nhiều loại quả ngon ngọt bốn mùa.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Hội Huỳnh Phi Long cho biết, quá trình hình thành và phát triển của xã Phú Hội luôn gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch. Do đó, trước quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ khá nhanh của huyện Nhơn Trạch, xã Phú Hội cũng có những bước chuyển mình rõ rệt như: hoạt động nông nghiệp thu hẹp dần theo hướng tăng chất lượng, giảm quy mô; dịch vụ - thương mại phát triển là chủ lực của nền kinh tế; hạ tầng cơ sở như: đường - điện - nước sạch - trường - trạm được chuẩn hóa theo nông thôn mới nâng cao, đô thị…
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội Huỳnh Phi Long, tùy từng giai đoạn, tiềm lực, sức dân mà địa phương thực thi chính sách chuyển dịch kinh tế, đời sống nhân dân theo hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại cho phù hợp và bền vững. Chính vì thận trọng nhưng không kém quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đến nay địa phương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí cơ bản của một phường thuộc đô thị loại II để hướng tới mục tiêu xã Phú Hội trở thành một phường của thành phố Nhơn Trạch trong tương lai không xa.
Diễm Quỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin