Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Thảo Lâm
08:27, 02/04/2024

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành ngày 20-11-2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.

Luật ban hành đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Song qua thực tiễn triển khai những năm qua, luật đã bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện và góp phần đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tham dự Hội nghị trực tuyến Triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: T.Lâm

Để thực sự đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Theo HĐND tỉnh, những năm qua, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai đã cụ thể hóa bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch của nhiệm kỳ, hàng năm; đồng thời, xác định thành phương hướng, nhiệm vụ hàng quý, hàng tháng để triển khai thực hiện. Hoạt động giám sát đã đảm bảo đúng về thẩm quyền; đầy đủ về chủ thể và hình thức giám sát.

Đơn cử, trong năm 2023, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước tại nhiều địa phương và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND, các ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 64 cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề về 34 nội dung. HĐND tỉnh cũng thực hiện giám sát thông qua xem xét báo cáo trình kỳ họp; chất vấn, xem xét việc trả lời chất vấn; giám sát qua phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh…

Trong khi đó, năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thực hiện 5 cuộc giám sát, khảo sát; đồng thời, triển khai ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực hoạt động giám sát thường xuyên. Đoàn thực hiện 4 cuộc giám sát chuyên đề theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia, phối hợp với các đoàn công tác của các cơ quan Quốc hội thực hiện 7 cuộc giám sát, khảo sát tại địa phương.

Đặc biệt, giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp vừa chú trọng về số lượng, vừa đều khắp trên các lĩnh vực, có tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, được xã hội quan tâm. Qua đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cũng như mong muốn của cử tri, nhân dân và nhìn chung được cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc phối hợp, chấp hành.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, cùng với những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế; nhất là việc thực hiện kiến nghị sau giám sát ở một số nội dung còn rất chậm, có lúc, có nơi còn chưa thật sự nghiêm túc. Ở giám sát chuyên đề, việc xây dựng báo cáo phục vụ đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và giám sát của Thường trực HĐND tỉnh còn chậm so với thời gian quy định…

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Từ thực tiễn giám sát, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn ĐBQH, ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách và nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực góp ý kiến để hoàn thiện dự án luật nói trên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là thực sự cần thiết.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, các đại biểu của nhiều cơ quan, tỉnh, thành đã nêu nhiều đề xuất kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó nhấn mạnh, cần chú trọng hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát; hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn hoạt động giám sát… Đó cũng là những ý kiến được nhiều ĐBQH, thường trực HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đồng tình.

Tại Hội nghị Tổng kết 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND do HĐND tỉnh tổ chức năm 2023 cũng như trong các buổi khảo sát của Đảng đoàn HĐND tỉnh với HĐND cấp huyện, xã tại các địa phương mới đây, nhiều vướng mắc, hạn chế trong hoạt động giám sát được thường trực HĐND cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phản ánh và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.

Phó chủ tịch HĐND huyện Nhơn Trạch Đặng Kim Hoàn cho rằng, cần có quy định về hình thức chế tài và trách nhiệm cụ thể để áp dụng khi đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện các kiến nghị sau giám sát, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát…

Thảo Lâm

Tin xem nhiều