70 năm đã trôi qua nhưng âm vang của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) vẫn là bài học vẹn nguyên mang tầm vóc thời đại, đặc biệt là những giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đông đảo cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ dự hội thảo khoa học cấp quốc gia ngày 11-4 tại tỉnh Điện Biên. Ảnh:N.Hà |
Ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và có đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu độc lập tự do thì dân tộc đó, đất nước đó nhất định thắng lợi…
Đường lối kháng chiến đúng đắn
Tại Hội thảo cấp quốc gia về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức tại tỉnh Điện Biên mới đây, thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo, nhấn mạnh thực tế tiến trình cách mạng Việt Nam cho thấy, chỉ vẻn vẹn sau 21 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Nam Bộ ngày 23-9-1945, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai; thực hiện mưu đồ áp đặt ách thống trị lên đất nước ta lần nữa...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước ta đồng lòng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta kiên quyết đứng lên chiến đấu theo đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Căn cứ vào so sánh lực lượng “nhỏ đánh lớn, yếu đánh mạnh” và thực tế của ta, Đảng đã xác định đường lối kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.
Theo thượng tướng Lê Huy Vịnh, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho thắng lợi ở Hội nghị Genève. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam mà còn chứa đựng tầm vóc thời đại to lớn, góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhiều nước thuộc địa trên thế giới.
Với đường lối kháng chiến đúng đắn, ta đã buộc quân viễn chinh Pháp phải chuyển theo cách đánh của ta… Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho rằng, từ giữa năm 1953, thực dân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang thực hiện Kế hoạch Nava.
Để đánh bại âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân và tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, bước đầu làm thất bại Kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải bị động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập toàn cứ điểm, một “pháo đài bất khả xâm phạm” nhằm tiêu diệt chủ lực ta, tạo ra những thách thức lớn cho cách mạng nước ta.
“Song với nhãn quan chính trị sắc bén, tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại coi đây là thời cơ thuận lợi, quyết tâm tập trung lực lượng, đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp. Qua 56 ngày đêm với 3 đợt tiến công, quân và dân ta giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - được coi là “thiên sử vàng” của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh” - thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, nguyên Phó đội trưởng Đội Thanh niên xung phong 34 Nguyễn Tiến Năng, năm nay đã 94 tuổi, nhân chứng tham gia hội thảo, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhớ lại không khí chiến trường sôi động của quãng thời gian tham gia phục vụ chiến dịch.
Ông kể: “Liên tục từ ngày mở màn chiến dịch 13-3-1954 đến ngày thắng lợi 7-5-1954, chúng tôi luôn đấu trí, đấu lực với tinh thần “địch phá, ta lấp ta đi; địch lại phá, ta lại lấp ta đi”. Chỉ với dụng cụ thô sơ cuốc xẻng, gồng gánh, xe cút kít… không kể nắng mưa, ngày đêm vận chuyển hàng ngàn tấn đất đá san lấp hố bom, chỉ sau 5-7 tiếng là thông đường. Khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, của Bác và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Cội nguồn của tinh thần quyết chiến, quyết thắng
Phân tích sâu sắc nhân tố được coi là cội nguồn của tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham luận in trong kỷ yếu đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Mặt trận, Bộ Chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp đã có những biện pháp tiến hành giáo dục, động viên tinh thần, tư tưởng, kết hợp với giải quyết khó khăn cho bộ đội. Thông qua quán triệt, học tập, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kiên định mục tiêu độc lập dân tộc; nhận thức rõ tính khách quan, tất yếu của việc thay đổi phương châm tác chiến; những thuận lợi, khó khăn, qua đó xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực.
Theo đại tướng Lương Cường, hiện nay, cần đặc biệt quan tâm việc nâng chất công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, phải chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; phòng chống hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội, “dân sự hóa” quân sự, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội…
Cùng quan điểm này, trong bài viết của nhiều tướng lĩnh và các nhà khoa học đều khẳng định tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đặc biệt là tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân dân ta cách đây 70 năm còn nguyên giá trị cả về lý luận, thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Chính đường lối lãnh đạo đúng đắn và cội nguồn của tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” đã phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự kế thừa, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc cùng kinh nghiệm lãnh đạo kháng chiến độc lập, tự chủ của Đảng ta” - thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã viết trong kỷ yếu hội thảo.
Nhiều tham luận và ý kiến trao đổi trong hội thảo khoa học đã khẳng định rằng, những đội quân bộ binh đơn thuần của quân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, ý chí tiến công, tư tưởng đánh chắc thắng, tiến hành tập trung binh lực, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm quan trọng của địch, cùng triệt để thực hiện nguyên tắc “vây, lấn, tấn, triệt, diệt” bằng trận địa chiến hào, chia cắt các cứ điểm, không cho địch có cơ hội hỗ trợ, chi viện cho nhau. Khi thời cơ thuận lợi xuất hiện, ta lập tức tiến công, đột phá lần lượt, đẩy địch vào thế bị động phòng ngự. Cùng với việc khống chế sân bay, bắn rơi máy bay địch, cắt cầu hàng không chi viện của địch, đẩy địch đến thất bại hoàn toàn.
Tổng hợp những nghệ thuật này đều tập trung ở quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Điều này thể hiện thiên tài quân sự, trách nhiệm của vị tướng cầm quân với đất nước, với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin