Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, vượt bao khó khăn gian khổ, quân dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Hiểu ký tặng sách. Ảnh: N.Hà |
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động thiết thực tiếp tục nhắc nhớ thế hệ hôm nay về một thời oanh liệt trong sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, cũng như việc kế thừa truyền thống trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ký ức không phai
Đã 94 tuổi, từng trực tiếp tham gia trận Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, cựu chiến binh (CCB) Bùi Kim Điều (ngụ phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đã gây xúc động mạnh cho những người dự hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” mới đây.
Ông Điều kể, ông nhập ngũ năm 1952, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Đại đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 với cương vị Tiểu đội phó thông tin và trực tiếp đánh trận mở màn Him Lam chiều 13-3-1954.
“Sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
40 khẩu pháo từ 75 ly đến 120 ly đồng loạt nã thẳng vào các vị trí của kẻ thù trong cứ điểm Him Lam; tạo thuận lợi để quân ta xuất kích đánh Him Lam mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bất ngờ trước đòn tấn công của ta, địch không kịp phản ứng. Đến 23h30 cùng ngày, trận Him Lam kết thúc, ta hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí. Trận Him Lam thành công ngoài mong đợi” - CCB Bùi Kim Điều xúc động kể.
Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng dù đã 70 năm nhưng ý nghĩa, bài học của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là sức mạnh của “toàn dân đánh giặc” dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; của tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của một dân tộc khát khao độc lập tự do; là bài học về đường lối kháng chiến; về huy động sức mạnh đại đoàn kết; về xây dựng lực lượng vũ trang; nghệ thuật quân sự…
Sau đó, ông Điều cùng đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây chiếm đồi Độc Lập. Lúc này, bom đạn phá hủy làm mất thông tin liên lạc; một công văn khẩn của trung đoàn gửi xuống 3 tiểu đoàn: Nam Tiến, Nam Thắng và Nam Kế.
Ông Điều bộc bạch: “Là chiến sĩ thông tin, tôi cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ chạy từ trung đoàn xuống tiểu đoàn, nơi xa nhất là 3km. Trên đà thắng lợi, bất chấp hiểm nguy, chúng tôi chạy, luồn qua giao thông hào; chỗ không có giao thông hào thì khom lưng chạy trong mịt mù lửa khói. 2 đồng đội của tôi bị thương, một mình tôi chỉ lo không kịp mang công văn đến các tiểu đoàn nên trong đầu chỉ suy nghĩ phải nhanh nhất mang công văn hỏa tốc đến trung đoàn, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Sau thắng lợi này, CCB Bùi Kim Điều cùng đơn vị được vinh dự mừng công thắng lợi tại Sở chỉ huy Mường Phăng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, khen ngợi. Khi chia sẻ điều này, ông Điều vẫn xúc động như trận thắng vừa diễn ra hôm qua.
Cũng tại hội thảo quốc gia do Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng tổ chức tại tỉnh Điện Biên, các đại biểu đều xúc động xoay quanh câu chuyện của CCB, đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Đoàn Sông Lô) thuộc Đại đoàn 312 trực tiếp đánh Him Lam và Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho rằng, điều ông nhớ nhất chính là quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận đã chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
“Quyết định sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp anh em chúng tôi đánh địch và góp phần để chiến dịch toàn thắng sau 56 ngày, đêm” - đại tá Nguyễn Hữu Tài nói.
Theo đại tá, PGS-TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, của ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Giá trị trường tồn
Điều đọng lại và khẳng định giá trị còn mãi của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa chính là bài học vô giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày ấy, dân tộc ta tiếp tục làm nên nhiều thắng lợi vang dội trong 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó có “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc kẻ thù phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh điều này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nếu trong chiến tranh, thắng lợi về quân sự trên chiến trường đã quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán thì trong hòa bình, thực lực của đất nước sẽ quyết định tiếng nói, vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.
Cùng quan điểm này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Lê Huy Vịnh cho rằng, bài học và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Kế thừa những bài học quý giá, ngày nay chúng ta đang nỗ lực xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đạt vị thế quan trọng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”.
Bài học và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi trường tồn cùng thời gian và phù hợp thực tiễn lịch sử của đất nước, nhất là giai đoạn đổi mới hiện nay” - thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Là CCB trực tiếp tham gia ngay trong đợt đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy, ông Nguyễn Minh Hiểu (ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) xúc động nhớ lại giây phút anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót hy sinh. Đối với ông, đây sẽ mãi là “dấu lặng” trong cuộc đời quân ngũ của ông. Theo ông Hiểu, giá trị trường tồn của Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày nay đang được kế thừa, phát huy trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông nói: “Thế hệ của chúng tôi đã già nhưng thấy sự chuyển mình của đất nước, sự phát triển ngày càng tốt hơn của quê hương chính là biểu hiện cao nhất mà thế hệ hôm nay đã và đang phát huy tốt truyền thống dân tộc; trong đó có những giá trị trường tồn mà Chiến dịch Điện Biên Phủ hay Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại”.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin