Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của Đồng Nai đã có sự cải thiện rõ rệt khi tăng tới 19 bậc, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Đồng Nai chưa thể hài lòng với kết quả xếp hạng này, vì thực tế vẫn còn nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) than phiền về công tác CCHC.
Công chức phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) làm thêm giờ vào buổi chiều để giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: C.Nghĩa |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng: “Phải tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC đúng tầm, vì tỉnh đã xác định đây là một trong những khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025)”.
* Chậm trễ vì đâu?
Đồng Nai đã từng có giai đoạn thực hiện tốt công tác CCHC khi được xếp hạng tốp đầu trong cả nước. Nhưng những năm gần đây, chỉ số này liên tục sụt giảm và có năm rơi xuống vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành. Việc tụt hạng là điều đáng trăn trở khi Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn, có đóng góp ngân sách thuộc tốp đầu cả nước. Kết quả xếp hạng CCHC thấp không chỉ ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường cạnh tranh trong thu hút đầu tư, mà còn ở lòng tin của người dân, DN vào bộ máy chính quyền.
Một trong những thách thức nâng cao chất lượng CCHC hiện nay chính là đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC phục vụ người dân và DN đúng hẹn. Bởi thực tế, nhiều người dân và DN phải chật vật mới hoàn thiện được đầy đủ một bộ hồ sơ để được tiếp nhận. Tuy nhiên, ngay cả khi hồ sơ đã được tiếp nhận thì người dân, DN vẫn phải đi lại nhiều lần mới nhận được kết quả.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh:
Cải thiện chất lượng phục vụ người dân và DN một cách thực chất
Đồng Nai đang đứng trước giai đoạn phát triển mới khi hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Chính vì vậy, bộ máy từ tỉnh đến tận các xã, phường, thị trấn phải hoạt động một cách nhịp nhàng, lấy hiệu quả thực chất làm trên hết thì mới tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.
Đơn cử, ông Nguyễn Tiến Dũng (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) muốn gộp 2 miếng đất nằm kề nhau, sau đó chia đều cho 2 con làm tài sản thừa kế. Ông Dũng đã nộp hồ sơ vào Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai - chi nhánh thành phố Biên Hòa suốt nhiều tháng, phải đi lại nhiều lần mới được giải quyết. Lý do chậm trễ là vì hồ sơ liên quan đến nhiều bộ phận, phải phối hợp mới có thể giải quyết.
Ông Nguyễn Tiến Dũng bức xúc cho hay: “Khi nộp hồ sơ, tôi phải làm đủ thủ tục cần thiết mới được cán bộ tiếp nhận và đưa lại cho tôi phiếu hẹn ngày đến nhận kết quả. Đến ngày hẹn, tôi đến nhận kết quả thì cán bộ chỉ nói chưa có, rồi chỉ tôi đi hỏi hết bộ phận này đến bộ phận khác. Việc phải đi lại khiến tôi mất thời gian và khá mệt mỏi”.
Mới đây, tại cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh với DN, một DN đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã thẳng thắn phản ánh với tỉnh về chuyện TTHC của mình bị “ngâm” liên quan đến Sở Tài nguyên và môi trường và Cục Thuế Đồng Nai. Ngay tại buổi đối thoại, 2 đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ đã “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. Khi lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm của từng bên, đồng thời chấn chỉnh kịp thời thì toàn bộ TTHC đã được giải quyết. Điều đó cho thấy, nếu các cơ quan chức năng giải quyết đúng tinh thần và trách nhiệm phục vụ DN thì đã không có bức xúc xảy ra.
Để làm tốt công tác CCHC, mang lại sự hài lòng cho người dân và DN, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nề nếp công vụ tại nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh tinh thần, thái độ và trách nhiệm của cán bộ, công chức là những người trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các TTHC. Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh có dân số đông, số lượng các loại hình DN lớn, trong khi quy trình giải quyết nhiều TTHC còn rườm rà đang là rào cản lớn, gây ra sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ.
* Cần siết quy định thời hạn giải quyết TTHC
Không chỉ người dân, DN gặp phải tình trạng chậm trễ trong giải quyết TTHC, mà ngay trong bộ máy từ cấp huyện đến tỉnh cũng tồn tại tình trạng chậm trễ trong phối hợp cho ý kiến về việc giải quyết các sự việc cụ thể. Có trường hợp đơn vị cấp sở với nhau nhưng phải mất 6 tháng mới nhận được văn bản phản hồi.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình, tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC là trách nhiệm của bộ máy chính quyền, mà trước hết thuộc về vai trò của người đứng đầu. Cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để không còn tình trạng cán bộ né tránh công việc, sợ trách nhiệm, sợ sai không tham mưu trong giải quyết những sự việc cụ thể.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, sự chậm trễ trong giải quyết TTHC ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội của người dân, DN và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Đề cập đến tinh thần, thái độ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC của người dân và DN, tại hội nghị giao ban công tác CCHC của tỉnh quý I-2024, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức đã thẳng thắn nêu thực trạng có người dân vì bị trễ hẹn trả kết quả đã gọi điện phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Sau khi lãnh đạo tỉnh gọi điện cho lãnh đạo sở và tiến hành kiểm tra thì hồ sơ được giải quyết ngay. Điều đó chứng tỏ sự việc cần được giải quyết không hề vướng, mà do cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho hay, thời gian qua, UBND thành phố đã chấn chỉnh tình trạng những trường hợp cán bộ chưa làm hết trách nhiệm với dân trong giải quyết TTHC. Thành phố cũng chấn chỉnh và xử lý kịp thời tình trạng “cò” hồ sơ TTHC, là nguyên nhân có thể dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ máy chính quyền thành phố.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Đánh giá người đứng đầu qua hiệu quả CCHC UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác CCHC và giải quyết TTHC tại các sở, ngành, địa phương. Nơi nào có kết quả chưa tốt, còn để xảy ra chậm trễ nhiều thì phải làm rõ nguyên nhân và xác định cụ thể trách nhiệm nằm ở khâu nào, cán bộ nào. Cần phải xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ hồ sơ, thay vì chỉ nói chung chung rồi đâu lại vào đó. Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất TRẦN ĐỨC HÒA: Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền các cấp Khối lượng TTHC đối với các đơn vị cấp huyện, xã hiện nay tương đối nhiều nhưng vẫn có thể đạt được hiệu quả khi cán bộ, công chức làm hết trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đơn giản hóa các TTHC không cần thiết bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục. Khi ứng dụng công nghệ thông tin tốt có thể theo dõi và quản lý chặt chẽ quá trình giải quyết thủ tục đang chậm ở khâu nào và ai phải chịu trách nhiệm. Thành Nam (ghi) |
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin