70 năm trước, những chàng trai, cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc xếp bút nghiên, gác lại niềm riêng xung phong lên Điện Biên với tâm thế sẵn sàng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Long (giữa, ngụ khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) kể chuyện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khi có đoàn đến thăm. Ảnh: N.Sơn |
70 năm đã đi qua, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay tuổi cao, sức yếu, chân tay không còn nhanh nhẹn nhưng khí thế ngày ra trận vẫn sục sôi mỗi khi được nhắc đến.
Ký ức hào hùng
Năm nay 95 tuổi nhưng ký ức về những năm tháng tham gia kháng chiến trong ông Nguyễn Văn Long (ngụ khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) vẫn vẹn nguyên. Theo lời kể của ông Long, ông tham gia cách mạng từ năm 1946, tại Tiểu đoàn 398, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia đánh trận càn và bị thương nên được chuyển về tỉnh Sơn La điều trị. Do vết thương của ông nhẹ hơn so với những đồng đội khác nên chỉ sau một thời gian ngắn điều trị, ông bám theo xe chở thực phẩm từ tỉnh Sơn La về lại đơn vị đang đóng tại Điện Biên. Về tới đơn vị, ông được giao nhiệm vụ gói bộc phá sử dụng đánh phá lô cốt, hàng rào chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 5-1954, đơn vị ông nhận nhiệm vụ xuất quân cùng với các mũi tiến công đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông, trọng tâm là chiếm được đồi A1. Đêm 6-5-1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm của địch. Ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên đồi A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm của địch. Cho đến 17h30 ngày 7-5, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt.
“Tận mắt chứng kiến hình ảnh những toán lính Pháp giơ tay đầu hàng, người lính chúng tôi ai nấy đều vui sướng” - ông Long bộc bạch.
Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG (con gái của ông Nguyễn Văn Long, ngụ khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Từ nhỏ, chúng tôi luôn được cha kể những câu chuyện tham gia kháng chiến. Bên cạnh niềm tự hào, chúng tôi luôn coi đó là động lực để tiếp tục phấn đấu vươn lên tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông mình”. |
Cũng như bao thanh niên ngày ấy, ông Bùi Thanh Nghễ (91 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cũng tình nguyện tòng quân khi vừa tròn 18 tuổi. Ông Nghễ kể, năm 1952, đơn vị ông về địa phương tuyển quân. Gia đình ông có 4 anh em trai, anh trai đã tham gia hoạt động ở địa phương, 2 em trai chưa đủ tuổi nên ông đã giấu gia đình ghi tên vào danh sách nhập ngũ tại Sư đoàn 312.
Sau khi nhập ngũ, ông cùng đơn vị hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, ông được giao nhiệm vụ liên lạc, bảo vệ kho quân nhu… Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho chiến dịch, ông luôn dõi theo diễn biến của chiến dịch.
“Cùng với chiến thắng vẻ vang là những mất mát, hy sinh của biết bao đồng bào, chiến sĩ. Trong chiến dịch đã có không ít chiến sĩ bị thương được đồng đội chuyển về tuyến sau. Nhiều chiến sĩ ngã xuống khi còn ở độ tuổi mười tám, đôi mươi…” - ông Nghễ chia sẻ.
Nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vương Đình Nhu (ngụ khu phố 1, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) nhớ nhất hình ảnh bộ đội, dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào chiến trường.
Ông Nhu cho biết, cuối năm 1953, đầu năm 1954, đơn vị của ông (Trung đoàn Bộ binh 246) được điều lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ bảo vệ đèo Pha Đin (tỉnh Sơn La). Chứng kiến lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực bằng xe đạp thồ có trọng lượng hàng trăm ký; bộ đội kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ, ông rất cảm động. Hình ảnh này đã tiếp thêm động lực cho cá nhân ông và nhiều chiến sĩ Điện Biên khác vượt qua khó khăn, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội
70 năm đã đi qua, bên cạnh niềm tự hào, trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên còn có những xót xa khi tận mắt chứng kiến những đồng đội đến hơi thở cuối cùng vẫn cầm súng chiến đấu, mãi nằm lại nơi lòng đất lạnh.
Nhắc đến đồng chí, đồng đội, ông Vương Đình Nhu nghẹn ngào chia sẻ, trong số 7 người cùng quê, cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, chỉ có ông là người duy nhất còn sống sót. Sau này, khi vào Đồng Nai sinh sống và làm việc, nhờ có Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức họp mặt mà ông có cơ hội gặp lại những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Mỗi lần gặp nhau, ai nấy đều mừng mừng, tủi tủi, chúc nhau sức khỏe, dặn dò nhau phải sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội.
Cũng bởi suy nghĩ ấy, nhiều chiến sĩ Điện Biên tiếp tục tham gia chiến đấu, lao động sản xuất, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Bùi Thanh Nghễ (bìa phải, ở khu phố 5, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cầm chắc tay người đồng đội cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa tại buổi họp mặt do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức mới đây. |
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Long là thương binh, sức khỏe suy giảm nên không tiếp tục con đường binh nghiệp. Năm 1958, ông trở về quê hương Nam Định tham gia công tác tại địa phương với nhiệm vụ: chính trị viên xã đội (nay là ban chỉ huy quân sự cấp xã), phó chủ nhiệm chăn nuôi, xay xát lúa chi viện cho miền Nam. Được vài năm sau, ông Long chuyển sang công tác trong ngành đường sắt cho đến trước ngày giải phóng.
Theo lời kể của ông Long, trong thời gian 10 năm công tác trong ngành đường sắt, ông tham gia lực lượng phụ trách sửa cầu. Chiếc cầu nào có đường sắt đi qua trong khu vực quản lý bị máy bay ném bom làm hư hỏng, ông đều có mặt sửa chữa để đảm bảo đường sắt thông suốt, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông được Bộ Giao thông vận tải tặng danh hiệu Dũng sĩ giao thông vận tải, đánh thắng giặc Mỹ; Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Sau năm 2000, vợ chồng ông Long chuyển vào Đồng Nai sinh sống để gần các con. Là đảng viên, ông luôn gương mẫu trong các hoạt động tại địa phương.
Bí thư Chi bộ khu phố 7, phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Quốc Minh cho biết, năm nay đã 95 tuổi nhưng ông Long vẫn đều đặn hàng tháng tham gia sinh hoạt chi bộ, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng khu phố, phường Long Bình. Không chỉ gương mẫu trong sinh hoạt Đảng, hoạt động tại địa phương, gia đình ông còn là gia đình tiêu biểu với 8 đảng viên, 9 người con, cháu đang công tác trong quân đội.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin