Huyện Thống Nhất có tỷ lệ người theo đạo nhiều nhất trong 11 huyện, thành phố của Đồng Nai.
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã có nhiều nỗ lực trong đoàn kết các tổ chức tôn giáo và đồng bào tín đồ, kết nối cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) cùng tham gia xây dựng địa phương, thực hiện trợ giúp người khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng động viên thanh niên có đạo tại huyện Thống Nhất lên đường nhập ngũ năm 2024. Ảnh: S.Thao |
* Những mô hình thiết thực
Mặt trận các cấp của huyện Thống Nhất đóng vai trò chủ đạo trong kết nối quần chúng nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn và trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Điều này đã được cụ thể hóa thành mô hình Xóm đạo bình yên, một “đặc sản” trong xây dựng khu dân cư của huyện Thống Nhất.
Như tại ấp Lam Sơn (xã Quang Trung) có 1,2 ngàn hộ thì 97% trong số này là gia đình theo đạo Công giáo. Thông qua thực hiện mô hình Xóm đạo bình yên, hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt ở các khu vực dân cư trong ấp. Kinh phí thực hiện hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Hệ thống camera an ninh này đã phát huy hiệu quả tích cực trong giám sát, góp phần hỗ trợ xử lý khi xảy ra tình huống ở địa bàn.
Tương tự, tại ấp Bạch Lâm (xã Gia Tân 2) có 2 chức việc, 18 đồng bào Công giáo tham gia vào mô hình Xóm đạo bình yên. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam xã còn cùng ban hành giáo thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện với bà con, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn để tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Huyện Thống Nhất hiện có 87% trong tổng số gần 172 ngàn người là đồng bào có đạo. Đặc biệt, nhiều xã, ấp có 97% người dân là đồng bào có đạo. Ngoài ra, địa phương còn là nơi sinh sống của 24 DTTS. |
Cũng thông qua mô hình này, sau khi thanh niên ở xã có kết quả trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, các linh mục và bà con tại 9 giáo xứ ở xã Gia Tân 3 cùng lãnh đạo địa phương tổ chức bữa cơm và dặn dò, động viên tinh thần, trao quà cho thanh niên trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Để xây dựng cảnh quan khu dân cư, nhiều tổ chức tôn giáo, tín đồ các tôn giáo còn chủ động trồng cây tạo cảnh quan, ươm cây giống rồi phát cho cộng đồng cùng trồng để giảm chi phí mua cây giống. Cũng thông qua mô hình Xóm đạo bình yên đã giúp Mặt trận các cấp nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, quan tâm, lo lắng, bức xúc của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, kịp thời kiến nghị chính quyền địa phương xem xét, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.
* Kết nối nguồn lực cộng đồng
Hiện nay, 31 giáo xứ cùng 28 cơ sở Công giáo trên địa bàn huyện Thống Nhất đều xây dựng hệ thống nước sạch. Ngoài đáp ứng nhu cầu của mỗi nhà thờ, hệ thống này còn là nguồn nước sạch được người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Định kỳ hàng tháng, tùy theo điều kiện của từng cơ sở tôn giáo mà các giáo xứ tổ chức hỗ trợ quà hàng tháng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo, với số lượng dao động từ 100-200 trường hợp.
Ngoài ra, các cơ sở Công giáo, tín đồ Công giáo còn chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật và người bệnh tâm thần không có người chăm sóc.
Linh mục Ngô Hùng Tráng, Chánh xứ giáo xứ Xuân Đức (xã Bàu Hàm 2), cho hay ông về nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng cảm nhận được mối quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với người dân theo hoặc không theo tôn giáo tại địa phương rất tốt. Ông cùng giáo xứ tiếp tục duy trì việc phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho bà con không phân biệt lương - giáo. Ngoài ra, mỗi tháng, giáo xứ duy trì tặng 100 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc các tôn giáo cũng như không tôn giáo.
Riêng ở 14 cơ sở Phật giáo, 90 tăng, ni đang sinh hoạt tôn giáo tại đây và phật tử đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi.
Đại đức Thích Pháp Đăng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, chia sẻ số tự viện và tăng, ni, phật tử tại Thống Nhất ít nhất trong các huyện, thành phố của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp cộng đồng của Phật giáo địa phương không hề mờ nhạt, mà ngược lại rất phong phú.
Cụ thể, trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, đại lễ Phật đản, Vu Lan, các tự viện phối hợp cùng chính quyền địa phương, Mặt trận tổ chức tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, gia đình hoàn cảnh còn khó khăn.
Đối với đồng bào DTTS, tuy huyện chỉ có gần 8,3 ngàn người song bà con sống tập trung thành những khu dân cư lớn, được Nhà nước hỗ trợ để bảo tồn giá trị văn hóa, xây dựng đời sống.
Ngày 14-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thống Nhất tổ chức Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029. Trong chương trình, 222 đại biểu chính thức sẽ tiến hành hiệp thương Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhiệm kỳ 2024-2029; hiệp thương cử đoàn đại biểu huyện đi dự Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2024-2029; khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động Mặt trận nhiệm kỳ qua...
Theo ông Trần Văn Lý, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện, ngoài việc thụ hưởng đầy đủ các chính sách về kinh tế, giáo dục, y tế…, bà con còn được hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua việc xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Chơro, phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội hàng năm.
Đặc biệt, để kịp thời ghi nhận, biểu dương và thông tin đến chức sắc, chức việc, đồng bào tín đồ các tôn giáo cũng như người uy tín và cộng đồng DTTS, mỗi năm Mặt trận các cấp tại huyện đều tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi thông tin. Đây cũng là dịp chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam huyện tuyên dương những nhân tố tiêu biểu.
Thời gian qua, Mặt trận các cấp của huyện Thống Nhất còn đóng vai trò kết nối đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương. Nhờ vậy mà trong các dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc, kiều bào về thăm quê hương đã tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện hoặc giúp đỡ thân nhân về vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin