Danh xưng “Đồng Nai”, hay “Biên Hòa - Đồng Nai” được ghi chép khá nhiều trong sử liệu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhưng danh xưng Đồng Nai có từ bao giờ, Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai là ngày, tháng, năm nào? Để trả lời câu hỏi này, ngày 25-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học xác định Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh |
Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Phạm Xuân Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh và PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, theo ghi chép của lịch sử, mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần 1698, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phía Nam, dựng dinh Trấn Biên. Việc thành lập dinh Trấn Biên vào tháng 2 năm Mậu Dần 1698 là bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở đầu thời kỳ hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu sự kiện này đến nay chỉ dừng lại mức độ xác định mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần 1698 mà chưa tìm thấy trong bất cứ nguồn tài liệu nào liên quan ghi chép về ngày cụ thể đối với hoạt động của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh ở vùng đất này.
Để có thêm cơ sở khoa học xác định thời gian cụ thể “ngày nào” trong tháng 2 năm Mậu Dần 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mời các chuyên gia, nhà khoa học am tường về sự hình thành và phát triển vùng đất này nghiên cứu, đề xuất thời gian xác định Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, có hàm lượng khoa học cao, trách nhiệm cao trong nghiên cứu khoa học, tổng hợp nhiều nguồn tư liệu chính thống khác nhau liên quan đến việc đề xuất “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”. Trên cơ sở các bài tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tham gia hội thảo để báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình cơ quan có thẩm quyền quyết định “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”.
Việc xác định Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai nhằm tri ân công lao to lớn của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, những bậc tiền nhân trong việc khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương, xây dựng quê hương Tổ quốc; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, làm phong phú thêm vốn văn hóa của vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai trong hiện tại và tương lai.
Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống anh hùng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương Đồng Nai phồn vinh, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Mạnh Trung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam, cho rằng có 3 sự kiện để xem xét xác định ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai. Thứ nhất, ngày chúa Nguyễn Phúc Chu phong Chưởng cơ, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Thứ hai, ngày, địa điểm Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh xuất hành từ dinh Bình Khang (Phú Yên) kinh lược xứ Đồng Nai, hay ngày chiến thuyền của ông cập bến, dừng chân ở cù lao Phố. Thứ ba, ngày chúa Nguyễn Phúc Chu hay Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh ban hành quyết định lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay).
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa tìm được tư liệu lịch sử nào căn cứ xác định ngày cụ thể của 3 sự kiện trên. Vì vậy, việc đề xuất “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai” sẽ khó đảm bảo tính khách quan, chân thật.
Tuy nhiên, ở sự kiện thứ 2 có thể sử dụng kinh nghiệm dân gian về những ngày kiêng kỵ không xuất hành trong tháng 2 âm lịch năm 1698 và khoảng cách giữa ngày kiêng kỵ đến ngày tốt để suy luận về ngày Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh có thể xuất hành và cặp bến cù lao Phố làm căn cứ đề xuất Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai.
3 phương án chọn ngày truyền thống
Theo tiến sĩ Đặng Mạnh Trung, tháng 2 âm lịch năm 1698, đối chiếu ngày dương lịch là từ 12-3 đến 10-4 năm Mậu Dần. Trong đó có 20 ngày trong tháng 3 dương lịch (từ 12-3 đến 31-3) và 10 ngày của tháng 4 dương lịch (1-4 đến 10-4). Trong tháng 2 có những ngày gọi là ngày con nước, ngày nguyệt kỵ, ngày tam nương - theo dân gian, những ngày này đại kỵ, ngày xấu cần hạn chế làm những việc quan trọng.
Như vậy, có thể suy đoán việc chọn thực hiện cuộc hành trình từ Bình Khang vào xứ Đồng Nai có 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, từ mùng 8 đến 12-2 âm lịch; giai đoạn thứ hai, từ ngày 19 đến 21-2 âm lịch và giai đoạn thứ ba, từ ngày 24 đến 26-2 âm lịch. Từ những yếu tố này có thể suy đoán giai đoạn thứ nhất có độ dài 5 ngày sẽ được Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh chọn để thực hiện cuộc hành trình kinh lý xứ Đồng Nai bằng đường thủy, theo đó dự đoán ngày xuất hành từ dinh Bình Khang là mùng 8-2 âm lịch (19-3 dương lịch), ngày cặp bờ cù lao Phố là mùng 10-2 âm lịch (21-3 dương lịch).
Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, việc Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào xứ Đàng Trong lập dinh Trấn Biên là sự kiện trọng đại không chỉ của Đồng Nai mà của toàn vùng Nam Bộ và toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Vấn đề tháng, năm Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đây đã rõ, còn ngày thì chưa rõ, còn nhiều ý kiến luận giải khác nhau.
“Theo tôi, trong trường hợp chúng ta đã cố gắng hết sức mà không tìm thêm được tư liệu mới, tư liệu gốc chỉ ra ngày giờ cụ thể thì nên dựa theo phương pháp cổ truyền chọn ngày giờ tốt để khai trương hay mở đầu một công việc trọng đại của tổ tiên ta để xét đoán ngày thành lập dinh Trấn Biên của chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo đó, ngày thành lập dinh Trấn Biên phải là ngày tốt của tháng 2 năm Mậu Dần 1698” - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ quan điểm.
Theo cách lý giải này, Đồng Nai hoàn toàn có thể chọn một ngày hoàng đạo của tháng 2 năm Mậu Dần 1698 phù hợp với những tính toán của tỉnh để đổi ra dương lịch làm ngày truyền thống của tỉnh.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Phó viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, tháng 2 năm Mậu Dần 1698, theo cách tính của Lê Thành Lân trong cuốn Lịch hai mươi mốt thế kỷ, thì tháng 2 năm Mậu Dần 1698 có 30 ngày, tháng 3 dương lịch có 31 ngày. Ngày 1-2 âm lịch tương ứng với ngày 12-3-1698; ngày 30-2 âm lịch tương ứng với ngày 10-4-1698. Như vậy, tháng 2 năm Mậu Dần 1698 tính sang dương lịch là từ ngày 12-3 đến ngày 10-4-1698.
Theo PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất một ngày cụ thể nào đó trong tháng 2 để làm ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai là câu chuyện bình thường trong nghiên cứu khoa học.
Trước mắt, qua hội thảo này có 3 luồng ý kiến luận giải để xác định ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai. Đó là chọn một ngày theo phong tục tập quán, biến thiên của thời tiết; chọn một ngày mở đầu của tháng 2 năm Mậu Dần 1698 hoặc nửa sau của tháng 2 năm Mậu Dần 1698; việc chọn ngày kỷ niệm của tỉnh nên gắn với các sự kiện của tỉnh như chiến thắng Trảng Bom, chiến thắng Xuân Lộc hoặc sự kiện liên quan đến vùng đất Đồng Nai xưa.
Kết lại vấn đề, PGS-TS Trần Đức Cường cho rằng, việc chọn ngày nào làm ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai còn phải tiếp tục suy nghĩ để đưa ra luận giải xác đáng nhất, giúp tỉnh chọn được ngày kỷ niệm có sức thuyết phục nhất.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin