Đồng Nai có 170 Mặt trận cấp xã và 934 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Trong số này, thành phố Biên Hòa có 30 đơn vị Mặt trận cấp xã cùng 200 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Con số này nhiều gấp từ 2-3 lần so với các huyện, thành phố còn lại của tỉnh.
Người dân khu phố 1, phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) được tặng bình chữa cháy trong chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: S.Thao |
Thành phố Biên Hòa tập trung dân số đông nên đặt ra áp lực lớn, song cũng là tiền đề để những người làm công tác Mặt trận thành phố phát huy tính chủ động, sáng tạo để xây dựng, duy trì các cầu nối gắn kết người dân giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan, chăm sóc người kém may mắn, phòng chống tội phạm và cháy nổ…
* Nơi khởi nguồn các mô hình ở khu dân cư
Ngay khi nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại về người và của diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, Mặt trận các xã, phường, ấp, khu phố của thành phố Biên Hòa đã rất nhạy bén khi nhân đợt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2023 để kết nối lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tuyên truyền về phòng ngừa cháy nổ, xử lý ban đầu khi phát hiện hỏa hoạn đến bà con ngay trong ngày hội.
Đặc biệt, các ấp, khu phố của Biên Hòa còn tiên phong trong sử dụng nguồn ủng hộ của tập thể, cá nhân trong ngày hội để tặng bình chữa cháy cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thay vì tổ chức liên hoan.
Bà Tô Thị Ớt, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Tân Hạnh, cho hay số dân của khu phố chiếm gần một nửa số dân của phường, trong đó có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ ở trọ thu nhập bấp bênh. Vì vậy, việc tự trang bị bình chữa cháy đối với những gia đình này không hề đơn giản.
Xuất phát từ thực tế đó, khu phố đã vận động và được bà con đồng tình chuyển kinh phí tổ chức liên hoan sang mua bình chữa cháy tặng cho người cần nhưng không có khả năng mua. Nhờ vậy mà rất nhiều gia đình trong khu phố có bình chữa cháy mini.
Bên cạnh đó, thành phố có trên 11,3 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 390,5 ngàn lao động. Do vậy, việc người dân không có mặt ở nhà trong giờ hành chính đặt ra cho hoạt động của Mặt trận thành phố Biên Hòa phải có sự linh hoạt để phù hợp với nhịp sống người dân. Mô hình tuyên truyền vào ban đêm, đến từng khu nhà trọ để gặp gỡ từng nhóm nhỏ người ở trọ cùng gia chủ diễn ra rất sôi nổi, nhất là vào các dịp sinh hoạt chính trị - xã hội lớn của đất nước và của tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp Vương Thị Hảo, phường có gần 20 ngàn người tạm trú trong tổng số 37 ngàn dân của phường. Bà con sinh sống trong các khu nhà trọ ở tất cả 6 khu phố và hầu như không có ở nhà vào ban ngày. Từ thực tế đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Ban Công tác Mặt trận khu phố phối hợp cùng các đơn vị chủ động “tìm” bà con để nói chuyện vào ban đêm, ngay ở khu nhà trọ và nội dung trao đổi cụ thể, trọng tâm.
Trong quá trình toàn tỉnh triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn tại nguồn, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên cùng cấp tại thành phố đã chủ động triển khai nhiều mô hình. Trong số này, không ít mô hình của thành phố đã được các địa phương trong tỉnh tiếp thu để triển khai.
Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Phong được xem là đơn vị đi đầu của tỉnh trong tổ chức mô hình Ngôi nhà thu gom pin. Theo đó, Mặt trận phường cùng các tổ chức thành viên đã đặt hộp chứa pin có hình dáng bên ngoài như ngôi nhà nhỏ ở khu dân cư. Mỗi khi có pin cũ, bà con đưa đến bỏ tại đây. Khi ngôi nhà đầy pin cũ sẽ được cơ quan chức năng thu nhận để xử lý.
* Chủ động kết nối cộng đồng
Xây dựng nên những mô hình đã khó, làm sao để nội dung từng mô hình, mỗi phong trào đi sâu vào đời sống, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân lại càng khó hơn.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa Nho Văn Lịch cho hay, Biên Hòa là nơi sinh sống của 19 thành phần dân tộc thiểu số; đồng thời, thành phố có 533,7 ngàn tín đồ của 16 tổ chức tôn giáo, chiếm khoảng 64% dân số. Thành phố còn tập trung rất đông doanh nghiệp và tiểu thương. Số gia đình có thân nhân là kiều bào của thành phố cũng rất lớn… Những người dân này vừa thụ hưởng chính sách, cũng là lực lượng năng động tạo ra của cải vật chất, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế bền vững và đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện, chung tay đóng góp vì cộng đồng…
Phát huy vai trò gắn kết quần chúng vì sự phát triển ổn định của thành phố, thời gian qua, Mặt trận các cấp tại thành phố Biên Hòa đã chủ động, nỗ lực xây dựng lòng tin nhằm thu hút, đoàn kết có hiệu quả quần chúng. Mỗi năm, thành phố thu hút được rất nhiều nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội mà Mặt trận đóng vai trò vận động, tiếp nhận và phân phối đến người dân.
Trong 2 ngày 19 và 20-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa tổ chức Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029.
168 đại biểu chính thức đã hiệp thương cử 65 cá nhân tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, bà Thiều Thị Minh Hường tiếp tục được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang yêu cầu MTTQ Việt Nam thành phố cần thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới, gồm: tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tiếp tục xây dựng, tập hợp để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để MTTQ Việt Nam là đại biểu cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong xây dựng khu dân cư.
Để đảm bảo tính minh bạch, công khai, đúng đối tượng thụ hưởng, trong mỗi hoạt động này, Mặt trận các cấp đảm bảo người cho gặp người nhận trực tiếp và 100% giá trị vật chất tài trợ đến với người thụ hưởng. Đây là yếu tố rất quan trọng đảm bảo kết quả vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho người nghèo và các trường hợp khó khăn khác. Qua đó, đã có 6,3 tỷ đồng được các cá nhân, tổ chức ủng hộ thông qua quỹ vì người nghèo các cấp. Ngoài ra, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tiếp nhận và trao tặng hơn 196,6 ngàn phần quà Tết trị giá trên 76,8 tỷ đồng…
Bà Nguyễn Thị Phương Quỳnh (phường Quang Vinh) không may bị cháy nhà. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã trích từ Quỹ Cứu trợ xã hội thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng cho gia đình bà. Đồng thời, thông qua vận động của Mặt trận thành phố, Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa đã hỗ trợ thêm cho gia đình 80 triệu đồng. Nhờ vậy, căn nhà nhanh chóng được hoàn thiện.
Thời gian qua, Mặt trận thành phố cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều chương trình ký kết phối hợp với các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo trong huy động nguồn lực giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tuyên truyền tín đồ chấp hành các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Như những năm qua, từ sự kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Phong, Ban hành giáo giáo xứ Thái Hiệp đã ủng hộ kinh phí có được từ mô hình thu gom ve chai để hỗ trợ các khu phố sửa chữa hư hỏng đường giao thông trong khu dân cư.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin