Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thông qua 4 luật quan trọng

Thanh Hải
11:18, 29/06/2024

(ĐN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 29-6, với 404/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 83,13% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu đoàn Đồng Nai bấm nút thông qua các luật, nghị quyết. Ảnh: CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bấm nút thông qua các luật. Ảnh: CTV

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, điều chỉnh hiệu lực của 4 luật, tuy nhiên, băn khoăn việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật.

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiệu lực của các luật từ ngày 1-1-2025 để thời gian từ nay đến ngày 1-1-2025, các cơ quan tập trung xây dựng các nghị định, thông tư một cách kỹ lưỡng, chất lượng và các địa phương được tiếp cận với các nghị định, thông tư đó để xây dựng các văn bản hướng dẫn của địa phương.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc chọn thời điểm có hiệu lực của các luật là từ ngày 1-8-2024; cho rằng, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm với đề xuất đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây; đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu đoàn Đồng Nai bấm nút thông qua các luật, nghị quyết. Ảnh: CTV
Các đại biểu đoàn Đồng Nai bấm nút thông qua các luật. Ảnh: CTV

Trên cơ sở quyết tâm và cam kết của Chính phủ, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức, Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận và nếu đủ điều kiện sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.

Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã có ý kiến giải trình tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24-6-2024 về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật để điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28-6-2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo luật.

Trong Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28-6-2024, Chính phủ cho rằng, phương án đề xuất để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau và khẳng định: “sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành luật”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thể hiện nội dung cam kết của Chính phủ tại dự thảo nghị quyết Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều