Sang năm 2025, đất nước chúng ta sẽ kỷ niệm những ngày lễ trọng để giáo dục truyền thống, khơi dậy và bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, thực hiện các biện pháp tụ tâm dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra các nguồn năng lượng mới, động lực mới để chấn hưng văn hóa, tăng tiến kinh tế, làm cho đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 2 từ trái qua) tham quan Tòa soạn Báo Đồng Nai ngày 19-6-2024. Ảnh: Huy Anh |
Riêng giới báo chí Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025) và 260 năm Ngày Báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam (ngày tờ Gia Định Báo phát hành số đầu tiên, ngày 15-4-1865, đến năm 2025, có chiều dài lịch sử vừa đúng 260 năm).
Nếu so với báo chí thế giới, tính từ những tờ báo viết tay của Italy và những tờ báo in tính từ sau khi có máy in do Friedrich Koenig (người Đức) chế tạo còn lưu giữ ở các bảo tàng châu Âu thì báo chí Việt Nam muộn hơn từ 300 đến gần 400 năm. Còn báo chí cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 thì độ chậm về thời gian dài hơn, nếu so với báo chí thế giới.
Mặc dù ra đời muộn hơn ở một nước thuộc địa nửa phong kiến nhưng báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam, đặc biệt dòng báo chí cách mạng yêu nước với tư cách là cơ quan “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức sáng tạo, sự giác ngộ theo con đường giải phóng, động viên toàn dân anh dũng tiến lên dưới ngọn cờ chính nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam và báo chí cách mạng Việt Nam có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc làm cho người Việt Nam ngẩng cao đầu rửa cái nhục mất nước và tiến lên rửa cái nhục nghèo đói.
Năm 1925, khi vừa về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Thanh Niên cách mạng đồng chí hội gồm 9 đồng chí tập hợp từ Tổ chức Tâm Tâm xã của cụ Phan Bội Châu và ngay sau đó, Người chủ trương xuất bản tờ báo Thanh Niên để làm cơ quan ngôn luận cho tổ chức cách mạng này.
Nhà báo Thép Mới, sau này gọi thời gian này là “Thời dựng Đảng”. Như vậy, có thể nói Báo Thanh Niên - tờ báo đầu tiên mở đầu dòng báo chí cách mạng là cơ quan truyền thông đắc lực trong việc “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, góp phần to lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Bằng cớ là từ 9 hội viên ban đầu, đến năm 1927, Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã có 1.400 thành viên, bước đầu được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong kết quả hết sức khả quan này, có sự đóng góp quan trọng của Báo Thanh Niên - tờ báo mở đầu như viên gạch đầu tiên xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ đây, dòng báo chí cách mạng và lực lượng làm báo cách mạng cũng không ngừng phát triển lớn mạnh, có ý nghĩa, đóng góp vào quá trình giành độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, hành trình gian khổ làm nên một Điện Biên Phủ - cột mốc chiến công mang tầm thế kỷ và sau đó, báo chí và người làm báo cách mạng tiếp tục ra trận đánh gục ý chí xâm lược của Hoa Kỳ, siêu cường kinh tế, quân sự số một lúc bấy giờ. Để ghi nhận những đóng góp của báo chí và người làm báo cách mạng, ngày 5-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 52, lấy ngày 21-6-1925 làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Mai Sông Bé (thứ 4 từ phải qua) cùng cán bộ, nhân viên Báo Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị năm 2000. Ảnh: TL |
Nếu so các ngày lễ trọng khác của đất nước thì Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam có độ dày, dày hơn tất cả. Sang năm 2025, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hướng về ngày lễ trọng trong năm tới, tôi có mấy ý kiến đề xuất:
1. Kính đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương tổ chức Hội thảo khoa học về “Tự do báo chí ở Việt Nam”. Chúng tôi cho rằng: Chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác những luận điệu xuyên tạc vấn đề này của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam, trước hết là những luận điệu của “Tổ chức phóng viên không biên giới”. Làm rõ vấn đề này cũng góp phần làm cho một số nhà báo Việt Nam hiện nay được “sáng mắt sáng lòng”, bước qua những mơ hồ, ngộ nhận.
2. Mở đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam (kể cả đối ngoại) về những đóng góp quan trọng của báo chí và người làm báo Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Khẳng định chỉ có ở Việt Nam, nhà báo ra chiến trường tác nghiệp không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà trước hết là trách nhiệm công dân - trách nhiệm xã hội trước vận mệnh của dân tộc, sự an nguy của đất nước, góp phần cùng dân tộc phá vỡ một mảng lớn của chủ nghĩa thực dân cũ, thực dân mới trên thế giới.
Với 511 nhà báo đã ngã xuống ở các chiến trường (giai đoạn 1945-1975), Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nhà báo hy sinh nhất trong khi tác nghiệp ở chiến trường từ khi thế giới có báo chí đến thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Đây là một chiến công mang tầm vóc thời đại - xét trên lĩnh vực truyền thông báo chí, không có dân tộc nào trên thế giới có thể sánh bằng.
3. Trong bối cảnh Việt Nam chủ động tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hội Nhà báo Việt Nam cần sớm định hình diện mạo nền báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm tới để có những biện pháp và bước đi phù hợp đến cột mốc lịch sử ấy. Chí ít cũng phải lấy cột mốc 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (2030), 100 năm thành lập nước (2045) để làm mục tiêu phấn đấu. Trong những bước phấn đấu này, việc đề ra chiến lược đào tạo đội ngũ nhà báo “vừa hồng vừa chuyên” cần phải xem là công việc đặc biệt quan trọng.
Trên đây là một vài ý kiến từ suy nghĩ của một người làm báo hồi hưu.
Mai Sông Bé
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin