Từ thế kỷ XIX-XXI, đã có hàng chục triệu người Việt Nam đến đất nước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhưng chỉ có chuyến thăm Hoa Kỳ của một người, quê ở thủ đô Hà Nội vào năm 2015 là chuyến thăm được đánh giá mang tầm cao lịch sử trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt chân lên đất nước của Washington (cụ thể là đường băng của Sân bay quân sự Andrews ở thủ đô nước Mỹ lúc 8h địa phương, tức 19h Việt Nam ngày 6-7-2015). Rồi sau đó, ông đường hoàng, ung dung đặt chân bước vào Phòng Bầu Dục Nhà Trắng - trung tâm quyền lực cao nhất của Hoa Kỳ, với chính danh là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - quốc khách của Hoa Kỳ. Ông chủ của Nhà Trắng tiếp đón người con của thủ đô Hà Nội thanh lịch, yêu hòa bình bằng phẩm chất anh hùng là tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama.
Thật là một điều đặc biệt, rất đặc biệt đến mức kỳ diệu của nền ngoại giao đầu thế kỷ XXI: Một người cộng sản - chính danh đứng đầu một Đảng Cộng sản ở bờ Đông Thái Bình Dương đã đĩnh đạc bước vào Phòng Bầu Dục bên trong Nhà Trắng. Vì trong lịch sử Hoa Kỳ, chính quyền của nước này, đã từng đưa đạo luật Smith để truy lùng, bắt bớ, giam cầm những người cộng sản Hoa Kỳ, nhất là sau thế chiến thứ 2 và ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, quân đội Hoa Kỳ với chiến thuật “tìm và diệt” của đại tướng Wesmoland đã tung quân săn lùng, tìm diệt Việt Cộng, vốn là những người cộng sản yêu nước “dám” chống lại họ. Vậy mà giờ đây, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đường hoàng, ung dung tuyên bố từ Nhà Trắng: “Có lẽ cách đây 20 năm, không có ai có thể hình dung được rằng: Hôm nay, tại Phòng Bầu Dục Nhà Trắng, Hoa Kỳ lại có cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thân mật, thẳng thắn, xây dựng, chân thành”.
Khi trả lời Bloomberg qua email, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Tôi hy vọng đây là cơ hội để hai phía đối thoại cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề tồn tại, khác biệt. Điều này sẽ giúp cải thiện hiểu biết song phương, thu hẹp khác biệt và từng bước củng cố lòng tin làm cho mối quan hệ lâu dài giữa 2 nước có thêm thực chất và hiệu quả”.
Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, giai đoạn 2014-2017, Ted Osius - người tích cực thiết kế chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kể lại: “Trước khi Tổng thống Barack Obama gửi thư mời và tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nhà Trắng, ông ấy bị sự phản đối của không ít giới chính trị Hoa Kỳ và quan chức chính quyền nhưng ông Obama đã vượt qua các thông lệ ngoại giao, quyết định mời và đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng, một việc làm chưa có trong tiền lệ ngoại giao của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Thậm chí trước khi tiếp khách, ông Obama còn hỏi các cộng sự: “Phải gọi ông ấy như thế nào?”. Ông Ted Osius đã tham vấn: “Hãy gọi ông ấy là Tổng Bí thư”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ vào ngày 7-7-2015 - Ảnh: AFP |
Với việc gửi thư mời, trọng thị tiếp đón và gọi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư, người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ đã thể hiện sự tôn trọng Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị của Việt Nam như ông ấy nói tại Phòng Bầu Dục: Hoa Kỳ tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau. Đó là một bước tiến thực chất trong mối quan hệ bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ, vốn là 2 “cựu thù” trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2. Đúng như Phó tổng thống Joe Biden - người vừa thăm Việt Nam hồi tháng 9-2023 với tư cách là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, đã lẩy Kiều trong buổi trưa ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Đây là kết quả của triết lý “ngoại giao Cây Tre” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng. Nội dung triết lý ngoại giao này là kiên định mục tiêu, giữ vững nguyên tắc song phải kết hợp linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp thực hiện với mục tiêu cao cả trước hết là đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc; “dĩ bất biến ứng vạn biến” như ngàn năm qua ông cha chúng ta và Bác Hồ đã căn dặn.
Lấy hình ảnh cây tre, biểu tượng văn hóa của người Việt Nam để minh định cho ngoại giao Việt Nam, là một sự sáng tạo độc đáo chỉ có ở Tổ quốc của Hồ Chí Minh. Bởi như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng giãi bày trong bài thơ Cây tre Việt Nam: “Tre xanh, xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mỏng manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi?/... Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành/ Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre không đứng khuất một mình, bóng râm/ Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay bế cho gần nhau thêm/... Chẳng may thân gãy, cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng/ Mà tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường/... Năm qua đi, tháng qua đi/ Tre già, măng mọc có gì lo đâu/ Mai sau... Mai sau... Mai sau.../ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.
Chính “cây tre” Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã làm nên điều kỳ diệu đầu thế kỷ XXI ở xứ sở Cờ hoa qua việc đĩnh đạc, đường hoàng, ung dung bước vào Phòng Bầu Dục Nhà Trắng với tư cách là quốc khách của Chính phủ Hoa Kỳ để bàn thảo và đưa ra thông điệp: Xây dựng niềm tin chiến lược giữa 2 nước Việt - Mỹ.
Mai Sông Bé
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin