Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Đồng Nai đã tăng cường chỉ đạo và đẩy mạnh tổ chức triển khai Phong trào Thi đua dân vận khéo với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.
Đoàn viên, hội viên và người dân phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) tham gia Ngày hội Phân loại và đổi chất thải, kết hợp triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Ảnh: ĐPCC |
Nổi bật trong đó phải kể đến các mô hình: Buổi sáng với nhân dân; Chính quyền thân thiện; Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) Hà Văn Hải chia sẻ: “Thời gian qua, để đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, xã luôn duy trì bộ quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức cơ quan với phương châm thân thiện - kỷ cương - trách nhiệm - tận tình”.
Xã yêu cầu cán bộ, công chức trong quá trình tiếp dân cần phải luôn thực hiện “5 xin” (xin chào, xin mời, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn), “5 luôn” (mỉm cười, lắng nghe, nhẹ nhàng, thấu hiểu, giúp đỡ), “5 hơn” (thái độ thân thiện hơn, hướng dẫn thủ tục nhanh hơn, thời hạn đúng hơn, phục vụ hiện đại hơn, nhân dân hài lòng hơn), “3 không” (không gây phiền hà với nhân dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm công việc với nhân dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu nhân dân).
Tại Hội nghị Giao ban khối Vận quý II-2024 vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh Phong trào Thi đua dân vận khéo, nhất là tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình: Buổi sáng với nhân dân; Chính quyền thân thiện; Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn trên địa bàn tỉnh sao cho thật thiết thực, hiệu quả…
Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 nhấn mạnh: “Không dừng ở đó, để cán bộ, công chức nghiêm túc chấp hành các quy định, quy tắc trên, UBND xã đã củng cố, kiện toàn tổ kiểm tra công vụ của xã, đồng thời ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn. Từ đó, đã kịp thời xử lý các cán bộ, công chức vi phạm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực thi công vụ”.
Với nhiều cách làm hay, UBND xã Gia Tân 2 đã được UBND huyện Thống Nhất lựa chọn để tổ chức Lễ ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện nhằm tạo sự lan tỏa và nhân rộng trong chính quyền cơ sở của huyện.
Từ đầu năm đến nay, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 12-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và thực hiện mô hình Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay; các kế hoạch của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh liên quan đến mô hình này.
Trong 6 tháng đầu năm, 11/11 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; nhiều địa phương đã thành lập ban chỉ đạo mô hình. UBND tỉnh vừa tổ chức Lễ ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện tại UBND phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa).
Lan tỏa sâu rộng
Trong 6 tháng đầu năm, 11/11 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai mô hình Phân loại rác thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn; đồng thời tổ chức lễ phát động và ra mắt mô hình ý nghĩa này.
Cán bộ, công chức thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) tận tình hướng dẫn người dân trong thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Hồ Thảo |
Phó chủ tịch UBND phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) Hồ Thị Tú Quyên cho hay: “Thời gian qua, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình tại 7 khu phố và 75 tổ nhân dân trên toàn phường bằng nhiều hình thức; đồng thời, duy trì tổ chức các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng đạt hiệu quả”.
Đặc biệt, UBND phường đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn phường tổ chức Ngày hội Phân loại và đổi chất thải, kết hợp triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn và ra mắt mô hình Ngôi nhà xanh thu gom rác thải tái chế lưu động trên địa bàn phường. Chương trình đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và người dân hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Trong khi đó, theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, để triển khai hiệu quả mô hình, hội đã ban hành kế hoạch phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Tài nguyên và môi trường triển khai đến 100% cơ sở hội trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 73 tổ chức hội cấp xã triển khai thí điểm mô hình tại 118 điểm; vận động được gần 7,7 ngàn hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình. Kết quả, thu gom được trên 21 tấn chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, quy đổi thành tiền được trên 131 triệu đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với 2 mô hình trên, mô hình Buổi sáng với nhân dân cũng đang được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tiếp dân, đối thoại với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Thảo Lâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin