Báo Đồng Nai điện tử
En

'Nóng' vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại phiên chất vấn HĐND tỉnh

Hồ Thảo
10:04, 17/07/2024

(ĐN) -  Sáng 17-7, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu phiên làm việc này, đại biểu Võ Thị Xuân Đào (Tổ đại biểu đơn vị huyện Vĩnh Cửu) đã đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trả lời chất vấn đại biểu. Ảnh: Công Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trả lời chất vấn đại biểu. Ảnh: Công Nghĩa

Theo đại biểu Xuân Đào, hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân và cử tri tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc và mức độ nghiêm trọng, điển hình như vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì tại Long Khánh, 94 công nhân ngộ độc mì quảng ở Trảng Bom...

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, giải pháp nào để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Còn nhiều vướng mắc, hạn chế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Xuân Đào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã nêu thực trạng, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan liên quan đến vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Đại biểu Võ Thị Xuân Đào đặt câu hỏi chất vấ. Ảnh: Hồ Thảo
Đại biểu Võ Thị Xuân Đào đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Hồ Thảo

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có nhiều bếp ăn tập thể, cũng là địa phương phát triển về chăn nuôi nên việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, còn tình trạng giết mổ không phép chưa được kiểm soát triệt để.

Tại địa phương, nhóm cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cũng chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó ý thức tuân thủ pháp luật của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp chế biến thực phẩm của nhóm đối tượng này chưa cao. Một số quy định của Luật ATTP và các luật liên quan chưa thống nhất, đồng bộ gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Về nguyên nhân chủ quan, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào tại một số các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt, giá trị suất ăn còn thấp so với giá cả của thị trường.

Mặt khác số lượng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường, giá cả cao hơn so với giá thị trường cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này. 

Vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có ngộ độc xảy ra gặp nhiều khó khăn (có những đơn vị cung cấp lấy hàng qua nhiều đơn vị trung gian khác nhau, cơ sở không thực hiện ghi chép sổ kiểm thực 3 bước để truy xuất nguyên liệu đầu vào).

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào các đợt cao điểm về ATTP, một số địa phương xử lý chưa nghiêm các vi phạm về ATTP (cấp xã hầu như không xử phạt) chủ yếu là nhắc nhở nên thiếu tính răn đe, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước về ATTP. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP còn mang nặng tính hình thức, hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên hiệu quả mang lại chưa cao. 

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Trước những nguyên nhân khách quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh cũng đã có những kiến nghị các bộ ngành trung ương giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu Chính phủ trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật ATTP 2010 cần quan tâm đến xu hướng hội nhập và yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước về ATTP hiện nay, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, ATTP theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương. 

Kiến nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương rà soát, kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chi cục trưởng Chi cục ATTP và các chức danh khác theo quy định tại Khoản 2, Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời về lâu dài cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thủ trưởng cơ quan kiểm tra ATTP như: Trưởng ban Quản lý ATTP, Chi cục trưởng Chi cục ATTP khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Về giải pháp về những khó khăn thực tế tại địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh giao Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương nghiên cứu, rà soát nội dung các quy định quản lý nhà nước về ATTP thuộc các ngành y tế, nông nghiệp, công thương trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm cụ thể cho từng ngành phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, đảm bảo hiệu quả. 

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung giải trình một số nội dung liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực phụ trách của ngành Y tế. Ảnh: Hồ Thảo

Giao Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát các quy định quản lý về thẩm định, cấp phép, hậu kiểm. Tăng cường phối hợp các cấp ở địa phương, trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, rà soát và công khai đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện; chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP trên địa bàn. 

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm ATTP, chú trọng hiệu quả quản lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng trong thực hiện quy trình, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; công khai minh bạch quá trình xử lý vi phạm, tránh nhũng nhiễu. 

Đặc biệt vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10-7-2024 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cần đi trước một bước để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trong tình hình mới. Việc tuyên truyền cần chú trọng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau: người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng; chính quyền các cấp và cơ quan quản lý…

Cùng với phần trả lời của Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục quản lý thị trường, UBND thành phố Long Khánh đã làm rõ thêm những vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về vấn đề này, đây là tín hiệu tốt thể hiện sự quan tâm của  UBND tỉnh.

Song theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo nếu chỉ dừng lại ở chỉ thị thôi thì vẫn chưa đủ. UBND tỉnh cần tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này để đánh giá đúng thực trạng, rõ giải pháp và có kế hoạch tổng thể trong công tác lãnh đạo chỉ đạo trong vấn đề này, đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong từng nhiệm vụ.

Hồ Thảo

 

Tin xem nhiều