Kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quan trọng, cho phép phát hiện những biểu hiện không bình thường của sự gia tăng tài sản của lãnh đạo.
Đội ngũ cán bộ kiểm tra của tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm tra giám sát. Ảnh: P.Hằng |
Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ lãnh đạo còn nhiều hạn chế, bất cập.
Vừa bị lừa tiền, vừa mất chức
Vừa qua, sự việc nguyên Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo chiếm đoạt 171 tỷ đồng trong tài khoản đã làm dư luận dậy sóng và đặt câu hỏi số tiền này có được kê khai đầy đủ trong bản kê khai tài sản, thu nhập hay không?
Để kịp thời giải đáp những thắc mắc của dư luận, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy đã vào cuộc và nhận thấy bà Hương không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai.
Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Do đó, UBKT Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương.
Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương bằng hình thức cách chức Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp đến, UBND tỉnh đã cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương.
Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Nhơn Trạch HUỲNH MINH ĐỨC nhận định, cốt lõi của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ nằm ở phẩm chất đạo đức, tính trung thực của cán bộ thuộc diện kê khai. |
Dù việc xử lý kỷ luật bà Hương đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời, kiên quyết nhưng vẫn còn câu hỏi cần lời giải đáp như: ngoài số tiền 171 tỷ đồng nằm trong tài khoản mà bà Hương đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt thì tài sản thực bà Hương đang nắm giữ là bao nhiêu?
Tại kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tháng 4-2024, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang thông tin, tội phạm dùng thủ đoạn quá cũ, xuất hiện từ cả chục năm trước nhưng nạn nhân thiếu cảnh giác. Đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu bà Hương mở tài khoản để chuyển tiền vào. Với vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp của huyện, có trình độ chuyên môn cử nhân quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị, vậy mà bà dễ dàng bị kẻ lừa đảo lấy cả số tiền lớn.
Tính trung thực là quan trọng
Vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa với số tiền quá lớn đã làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của người cán bộ lãnh đạo.
Câu chuyện của bà Hương và qua các vụ việc một số cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, tỉnh bị xét xử vừa qua có liên quan đến số tiền hối lộ quan chức lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng chục tỷ đồng nhưng không được khai báo, chỉ đến khi đưa ra xét xử mới bị lộ, có thể thấy việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức. Việc phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao việc kiểm soát tài sản thu nhập đã được thực hiện nhiều năm, thậm chí được ghi nhận và nhấn mạnh trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước nhưng kết quả chưa như mong đợi.
Điều này có thể lý giải, việc kê khai tài sản còn chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của người kê khai. Chưa có đủ biện pháp để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai. Số lượng bản kê khai quá lớn đã vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Theo quy định, hiện có không ít cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập được phân chia theo các đối tượng kê khai khác nhau nhưng ngay cả các cơ quan có thẩm quyền xác minh cũng đang lúng túng, bởi đây là công việc mới. Đó là chưa kể các cơ quan này còn rất nhiều nhiệm vụ chính trị, chuyên môn khác phải thực thi, trong khi việc kiểm soát tài sản, thu nhập đòi hỏi có nguồn lực về thời gian và con người không nhỏ.
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Thị Hà chia sẻ, việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ gặp không ít khó khăn, bất cập. Cụ thể như: có những cán bộ có bất động sản, nhà, đất không chỉ ở trên địa bàn Đồng Nai mà ở các tỉnh, thành khác nên phải chờ thông tin xác minh từ các sở, ngành có liên quan từ các địa phương khác.
Khi UBKT cấp ủy cơ sở kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên có liên quan đến việc phải sao kê tài khoản ở ngân hàng, UBKT Đảng ủy phường, xã đề nghị ngân hàng sao kê tài khoản của đảng viên đó nhưng ngân hàng trả lời phường, xã không có chức năng và thẩm quyền đề nghị ngân hàng sao kê. Do đó, UBKT Đảng ủy phường, xã lại phải nhờ UBKT Thành ủy đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin và sao kê tài khoản để giúp UBKT Đảng ủy cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên.
Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Trảng Bom Trương Hữu Dũng cho rằng, cơ quan UBKT cấp trên cần hướng dẫn kỹ, thống nhất đồng bộ về kê khai tài sản, thu nhập và công tác quản lý, kiểm soát, kiểm tra giám sát, xử lý trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Hiện nay, huyện mới chỉ tập trung việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ; còn việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ rất hạn chế.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin