Trong nửa nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu trên 1,3 ngàn hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó có gần 350 hội viên phụ nữ đã được kết nạp Đảng (chiếm trên 25%).
Chi bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu kết nạp đảng viên mới. Ảnh: ĐVCC |
Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với địa bàn có gần 415 ngàn hội viên phụ nữ.
Còn nhiều trở ngại
Là phường nội ô của thành phố Biên Hòa nhưng công tác tạo nguồn, phát triển Đảng là hội viên phụ nữ ở phường Trung Dũng gặp không ít khó khăn.
Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Dũng Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, số hội viên phụ nữ của phường kết nạp vào Đảng chủ yếu là giáo viên đang công tác tại các trường học, do tổ chức Đoàn hoặc Công đoàn trong trường học giới thiệu. Đối với nhóm đối tượng phụ nữ trẻ, đảm bảo về trình độ thì đi học hoặc đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp và nếu có phát triển Đảng cũng do tổ chức Đoàn, Công đoàn trong trường học, cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu. Hội LHPN phường chỉ có thể phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu những hội viên phụ nữ ưu tú đã lớn tuổi hoặc buôn bán kinh doanh trên địa bàn phường. Tuy nhiên, để tìm được nguồn hội viên phụ nữ ưu tú ở địa bàn phường giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp không hề đơn giản.
Thực hiện kế hoạch của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thực hiện khâu đột phá tập trung xây dựng cơ sở hội LHPN vững mạnh nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN tỉnh đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 50% chi hội trưởng chưa là đảng viên được Hội LHPN cơ sở bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp Đảng.
Để nâng tỷ lệ đảng viên mới được kết nạp là công nhân lao động, ngoài giới thiệu hội viên, phụ nữ ưu tú nói chung, năm nay Hội LHPN huyện Nhơn Trạch được giao chỉ tiêu giới thiệu 24 hội viên, phụ nữ ưu tú là công nhân lao động cho Đảng xem xét kết nạp. Đối với chỉ tiêu giới thiệu hội viên, phụ nữ ưu tú, đến nay các cấp hội LHPN của huyện đã thực hiện vượt chỉ tiêu. Riêng chỉ tiêu giới thiệu 24 hội viên, phụ nữ ưu tú là công nhân lao động cho Đảng xem xét kết nạp, hiện chưa thể thực hiện.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho rằng, phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu hội viên phụ nữ cho Đảng xem xét kết nạp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức hội. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đề ra chỉ tiêu mỗi cơ sở hội giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp từ 3 hội viên ưu tú trở lên. Ngoài ra, theo nghị quyết hàng năm của cấp ủy Đảng địa phương, hội LHPN các cấp đều đề ra chỉ tiêu giới thiệu hội viên ưu tú cho Đảng. Song, thực tế triển khai lại gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục tâm lý “ngại” vào Đảng
Theo bà Lê Thị Thái, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng ở hội viên phụ nữ. Trong đó, một số hội viên phụ nữ nhận thức còn hạn chế nên thường có tâm lý “ngại” vào Đảng. Một số khác nhận thức tốt, đóng góp tích cực cho hoạt động hội cũng như địa phương, nhưng lại không đạt tiêu chuẩn về trình độ học vấn hoặc điều kiện về lịch sử chính trị.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương, hội viên thường xuyên biến động do thay đổi nơi ở, đi làm ăn xa, việc chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư tại địa phương triển khai các dự án cũng ảnh hưởng đến công tác hội, công tác quản lý hội viên. Chưa kể, hoạt động hội ở một số địa phương trong thực tế vẫn chưa thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia…, dẫn đến thiếu nguồn hội viên phụ nữ ưu tú.
Để công tác phát triển Đảng trong hội viên, phụ nữ có những chuyển biến tích cực, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, các cấp hội LHPN, nhất là ở cơ sở, cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động thu hút hội viên phụ nữ tham gia, tạo môi trường cho chị em rèn luyện, phấn đấu, phát triển. Đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của nữ đảng viên trong các cấp hội, nhất là ở cấp chi hội, để làm động lực khích lệ hội viên phụ nữ phấn đấu, mong muốn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ chi, tổ hội phụ nữ có uy tín, nhiệt tình với công tác hội, gần gũi với hội viên phụ nữ; có năng lực tập hợp, thu hút phụ nữ, quản lý hội viên; có kỹ năng vận động, thuyết phục, điều hành sinh hoạt, nắm bắt tình hình, tư tưởng của hội viên phụ nữ.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ Hội LHPN cấp huyện và cơ sở, giải pháp quan trọng nhất vẫn là khắc phục tâm lý “ngại” vào Đảng của hội viên phụ nữ. Để làm được điều này, các cấp hội LHPN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về những thành tựu trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Qua đó, thúc đẩy hội viên phụ nữ phấn đấu vươn lên. Đồng thời, các cấp hội LHPN, nhất là ở chi, tổ hội, cần tích cực tham mưu cấp ủy chi bộ tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tham gia rèn luyện, thể hiện bản thân; đồng thời, định hướng để hội viên, phụ nữ phấn đấu vào Đảng.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin