Mở lớp học tình thương miễn phí để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao đời sống văn hóa tinh thần… là những việc làm được bà Lôi Thị Bích Hiền (dân tộc Nùng, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) duy trì nhiều năm qua.
Các em học sinh được học tập miễn phí tại lớp học tình thương do bà Lôi Thị Bích Hiền khởi xướng thành lập. Ảnh: Tố Nga |
Những việc làm ấy đã thiết thực đóng góp, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.
Dạy học miễn phí cho học sinh
Bà Hiền chia sẻ, trước khi cùng chồng, con chuyển vào Đồng Nai sinh sống, bà từng có nhiều năm làm giáo viên tại tỉnh Điện Biên. Ở nơi định cư mới, dù bà rất muốn được tiếp tục gắn bó với nghề nhưng không được như ý, bởi lúc ấy xin việc không mấy dễ dàng.
Bà Hiền đành tìm công việc khác để mưu sinh, nhưng tình yêu với nghề giáo, tình thương và những hình ảnh về các em học sinh miền núi khó khăn từng gắn bó luôn âm ỉ trong bà. Bà nhủ lòng đến khi cuộc sống gia đình ổn định sẽ tự mở lớp dạy miễn phí cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Từ tâm huyết và những đóng góp của mình, bà Lôi Thị Bích Hiền đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương, đoàn thể.
“Đó sẽ là nơi vừa để giúp đỡ các em, vừa để bản thân được ôn lại, trau dồi kiến thức và tìm lại cảm giác đứng lớp đầy nhiệt huyết như một cô giáo mà mình đã từng làm” - bà Hiền bộc bạch.
Và điều mong muốn ấy đã thành hiện thực suốt 4 năm qua. Ban đầu, bà vận động học sinh xung quanh nơi ở của mình đến học rồi dạy thêm miễn phí cho các em vào buổi tối. Dần dà, nhu cầu của các em ngày càng nhiều; một số chị em khác trên địa bàn phường cũng thấy được việc làm ý nghĩa của bà đã đồng lòng chung sức tham gia.
Lớp học tình thương từ đó được mở rộng hơn với 2 lớp, mỗi lớp khoảng 30-35 em. Phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn, con công nhân nhà trọ, ở độ tuổi tiểu học. Để có nơi học rộng rãi hơn cho các em, bà Hiền đã cùng 6 chị em khác tự bỏ tiền túi thuê phòng, trang bị bàn ghế cùng các cơ sở vật chất cơ bản cần thiết cho lớp học. Cứ hè đến, bằng tấm lòng và sự tận tâm, bà lại cùng các “cô giáo” khác trong đội chia ca dạy cho các em mỗi tối.
Lớp học tình thương ngày càng được lan tỏa, theo đề nghị của các học sinh và phụ huynh, từ năm 2023, bà Hiền cùng các chị em trong đội còn mở thêm lớp dạy tiếng Anh và các môn Toán, Lý, Hóa miễn phí cho học sinh trung học cơ sở. Từ tâm huyết của các “cô giáo” ở lớp học tình thương này, nhiều em học sinh đã có kết quả học tập tốt hơn rất nhiều sau đó, phụ huynh rất tin tưởng, hài lòng.
“Có nhiều phụ huynh và nhà hảo tâm ngỏ ý muốn tham gia hỗ trợ kinh phí thêm, nhưng tôi và các chị em trong đội từ chối vì tâm niệm được giúp đỡ các em bằng tâm huyết, tấm lòng và khả năng của chính mình” - bà Hiền bộc bạch.
Giúp phụ nữ dân tộc tự tin, năng động hơn
Bà Lôi Thị Bích Hiền còn được tín nhiệm giao vai trò Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc thiểu số của phường. Ở vai trò này, bà luôn nỗ lực kết nối, hỗ trợ để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng phát huy vai trò của mình, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao.
Bà Lôi Thị Bích Hiền tham gia biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của khu phố. |
Vốn sẵn tinh thần yêu văn nghệ, thể thao và mong muốn lan tỏa đến nhiều chị em, bà Hiền đã đứng ra thành lập đội văn nghệ, thể thao trong phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cứ lúc nào rảnh, chị em lại cùng nhau tập hợp múa hát, tập thể dục.
Bà Hiền chia sẻ: “Bên cạnh lời ca, tiếng hát để xua tan mệt mỏi sau giờ làm việc, chị em chúng tôi còn chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Từ những kinh nghiệm nuôi dạy con cái đến giữ lửa hạnh phúc trong gia đình... Mỗi khi chị em nào gặp khó khăn, ốm đau đột xuất, chúng tôi cùng nhau sẻ chia, hỗ trợ. Từ đó, chị em trong đội ngày càng gắn kết hơn. Nhiều chị em người Kinh cũng xin tham gia”.
Đông thành viên hơn cùng sự luyện tập nhiệt huyết, chỉn chu, đội văn nghệ của bà sau đó còn được mời và tích cực tham gia đóng góp vào các chương trình, sự kiện của khu phố, phường và cấp thành phố, cấp tỉnh.
Bà Hiền cho biết: “Điều phấn khởi nhất là sau khi tham gia sinh hoạt trong đội, các chị em dường như trở nên mạnh dạn, tự tin, năng động hơn. Những chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm sống cũng giúp cuộc sống gia đình mỗi người trở nên hạnh phúc, vui vẻ hơn”.
Thảo Lâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin