Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận

Phương Hằng - Công Nghĩa
10:35, 10/09/2024

(ĐN)- Sáng 10-9, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo công tác Dân vận của tỉnh và Cao Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân vận của tỉnh chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà phát biểu khai mạc hội thảo khoa học. Ảnh: Công Nghĩa

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo khoa học. Ảnh: Công Nghĩa

Dự hội nghị có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Văn Phước, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Xuân Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Trung Nhân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. 

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa

* Công tác dân vận có nhiều đổi mới
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh; là địa phương đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng do Trung ương và tỉnh đầu tư.

Dân số của Đồng Nai trên 3,2 triệu người, xếp thứ 5 cả nước; 32 khu công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân lao động nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc (trên 1,2 triệu người). Đồng thời là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc và đông tín đồ tôn giáo (toàn tỉnh có 50 thành phần dân tộc, chiếm khoảng 6,5% dân số; hơn 65% dân số là đồng bào theo đạo). 

Những đặc điểm trên đã tạo nên nhiều yếu tố thuận lợi cho Đồng Nai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú; đồng thời cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nhất là trong công tác bồi thường, thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ thảo luận về công tác dân vận trong cải cách hành chính. Ảnh: Công Nghĩa
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ thảo luận về công tác dân vận trong cải cách hành chính. Ảnh: Công Nghĩa

Trong những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần đề cao vai trò, vị trí trung tâm của Nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, đó là: Công tác nắm bắt, dự báo tình hình Nhân dân, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, sâu sát.

Công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận trong quá trình bồi thường, giải tỏa, tái định cư và giải quyết các vụ việc tôn giáo có lúc, có nơi chưa đồng bộ, kịp thời. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu với Nhân dân tuy được thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả, nhưng việc theo dõi, giám sát sau đối thoại có lúc chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác vận động, tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn…

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa

*Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận
Để có cơ sở phục vụ cho việc nhận định, đánh giá kết quả công tác dân vận thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, vừa qua Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dân vận cấp huyện tiến hành khảo sát, lấy ý kiến trên 2.700 cán bộ đang làm việc ở cả 3 cấp trên địa bàn (tỉnh, huyện, xã) và Nhân dân về công tác dân vận. Qua khảo sát, nhìn chung đa số các ý kiến được hỏi đều đánh giá cao và hài lòng với những kết quả đạt được của công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong công tác dân vận.

Trên 87% ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thường xuyên và kịp thời; 90% người dân rất hài lòng với việc giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; trên 85% ý kiến người dân cho rằng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương...

Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát cũng cho thấy một số hạn chế mà công tác dân vận cần tiếp tục quan tâm như: có 33,67% ý kiến đánh giá việc phân công đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận hiệu quả chưa rõ nét; 23,67% ý kiến cho biết việc công khai, bàn bạc với Nhân dân về các quy hoạch, các dự án có liên quan được chính quyền địa phương thực hiện không nhiều. 4,75% ý kiến cho rằng sẽ không tin tưởng, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương mà khiếu nại lên cấp trên khi có những vấn đề bức xúc…

Từ những vấn đề trên, hội thảo mong rằng các đại biểu tập trung thảo luận, làm sáng tỏ tầm quan trọng của công tác dân vận và chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận; những nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới.

Đồng chí Cao Tiến Dũng điều hành hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa
Đồng chí Cao Tiến Dũng điều hành hội thảo. Ảnh: Công Nghĩa

Đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện công tác dân vận thời gian qua, cụ thể gồm: Việc triển khai, thực hiện công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; việc đổi mới công tác dân vận chính quyền; công tác dân vận trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; công tác triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công tác dân vận trong tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc thực hiện công tác đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân; những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tập hợp quần chúng vào tổ chức Đoàn - Hội; việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; kết quả và kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; việc thực hiện các khâu công tác cán bộ chuyên trách công tác dân vận, phân công đảng viên, cán bộ trực tiếp phụ trách công tác dân vận.

Dự báo tình hình, những thách thức đặt ra trong công tác dân vận và những kiến nghị, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phương Hằng-Công Nghĩa

Tin xem nhiều