Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo vệ môi trường

Văn Truyên
08:26, 28/10/2024

Trong 3 năm thực hiện Chương trình Phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (giai đoạn 2021-2026), có 70 cá nhân, tổ chức đạt thành tích tiêu biểu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tuyên dương. Chiếm 1/3 trong danh sách này là các chức sắc, chức việc, cơ sở tôn giáo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa); Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác mặt trận, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Truyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa); Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác mặt trận, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Truyên

Điều này cho thấy các tôn giáo đã tích cực tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời, nhiều mô hình do các tôn giáo thực hiện trở thành điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp

Một trong những hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tiêu biểu của các chức sắc, chức việc, cơ sở tôn giáo là xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Chức sắc, chức việc các tôn giáo còn tích cực vận động tín đồ giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống và vệ sinh chung.

Tại huyện Thống Nhất có 4 tôn giáo đang hoạt động là Công giáo, Phật giáo, Cao Đài và Tin Lành với 75 cơ sở tôn giáo cùng 381 chức sắc, nhà tu hành, 205 chức việc. Tín đồ các tôn giáo chiếm 87,26% trong tổng số 171 ngàn người của huyện và phần lớn trong số này là người theo đạo Công giáo. Do vậy, tín đồ các tôn giáo không đứng ngoài hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu mà mỗi người cùng chung tay thực hiện.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thống Nhất Phạm Đình Ban, thời gian qua, Mặt trận huyện phối hợp tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, trong đó có xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường. Điều này đã được các vị linh mục và tín đồ hưởng ứng thực hiện bằng việc tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư, tổ chức trồng hoa, cây xanh ở các tuyến đường. Qua đó, đóng góp vào kết quả chung của huyện trong việc trồng gần 179 ngàn cây xanh các loại, xóa bỏ hình ảnh các ụ rác tự phát dọc nhiều tuyến đường…

Linh mục Ngô Hùng Tráng, Chánh xứ giáo xứ Xuân Đức (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất), cho hay giáo xứ cùng bà con tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào do địa phương phát động trong đó có bảo vệ môi trường. Ngoài ra, giáo xứ còn duy trì việc phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho bà con không phân biệt lương - giáo.

Tương tự, tại huyện Long Thành - nơi có gần 40% dân số là đồng bào có đạo, bà con tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Trong đó, Phật giáo Long Thành để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động này.

Theo tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cuối tháng 11-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức sơ kết 3 năm Chương trình Phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (giai đoạn 2021-2026) giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành đã phối hợp cùng 110 tự viện, 16 cơ sở đăng ký hoạt động và 4 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung với trên 2,9 ngàn tu sĩ tuyên truyền, vận động mỗi tự viện tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với các mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư.

Theo đại đức Thích Đạt Ma Trí Hải, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Thành, các chức sắc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu vào những buổi thuyết pháp cho phật tử gắn với việc giữ gìn sạch sẽ nơi mình sinh sống, đến nơi công cộng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, hướng dẫn tín đồ trồng cây thuốc nam nhằm tăng mảng xanh và cung cấp nguồn dược liệu chữa bệnh từ thiện cho người nghèo.

Qua đó, trong số 71 mô hình “Tổ tự quản môi trường ở khu dân cư”, nhiều mô hình có sự tham gia tích cực của Phật giáo, như: trồng cây xanh, vườn thuốc nam, tổ chức quét dọn vệ sinh các tuyến đường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh… Ngoài ra, hưởng ứng đợt phát động thi đua trang trí cơ quan, trụ sở làm việc trên địa bàn huyện, trang trí đường làng, ngõ xóm vào những dịp lễ, Tết, các cơ sở Phật giáo, gia đình phật tử tích cực tham gia làm đẹp cho khu dân cư.

Gây quỹ từ hoạt động bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tín đồ các tôn giáo còn thu gom rác thải để sàng lọc phế liệu bán gây quỹ thực hiện hoạt động an sinh xã hội. Một trong số đó là mô hình “Gom ve chai - Tạo quỹ bác ái” của Giáo xứ Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom). Theo ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh, với mô hình này, các gia đình đem ve chai ra trước cổng nhà để các bạn trẻ trong ban giới trẻ giáo xứ đi thu gom vào những ngày cố định đã thông tin trước. Từ đó, tạo thói quen cho mỗi gia đình là khi nhà có đồ ve chai thì gom lại. Sau khi thu gom, thành viên thực hiện mô hình tập kết, phân loại, sau đó liên hệ với các vựa thu mua phế liệu đến thu mua.

Theo chị Hiền Hòa, thành viên tham gia mô hình này, việc gom ve chai được tổ chức rất chu đáo, các xe đi gom đều mở loa tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Số tiền có được từ hoạt động này dùng mua thực phẩm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó thể hiện tình cảm gần gũi, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Tiết, thư ký Điểm nhóm Tin Lành ấp Ruộng Tre (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh), Tổ trưởng mô hình “Nhân dân và Điểm nhóm Tin lành Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với giữ gìn an ninh trật tự liên tổ 9, tổ 11, ấp Ruộng Tre”, năm 2018, Điểm nhóm Tin Lành Ruộng Tre đã ký kết với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, UBND xã và các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sau đó mô hình bảo vệ môi trường này ra đời. 38 thành viên là giáo dân và nhân dân tham gia vào các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh khu dân cư, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự góp phần đem lại bình yên cho nhân dân.

Lâu dần, hoạt động của mô hình lan tỏa rộng nên mỗi đợt ra quân bảo vệ môi trường là các gia đình khác cử thành viên cùng tham gia xây dựng và giữ gìn cơ sở thờ tự của điểm nhóm trang nghiêm, trong lành, nơi ở xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, từ nguồn lực đóng góp của các thành viên cộng với một phần tiết kiệm từ bán phế liệu trong lúc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nhà của các thành viên, thông qua mô hình này, giáo dân cùng với nhân dân tổ dân cư đã đóng góp lắp bóng đèn chiếu sáng và 6 camera an ninh giám sát dọc theo tuyến đường, trị giá gần 20 triệu đồng. Đồng thời, thành viên mô hình cùng bà con trong ấp tham gia xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp dài 400m, trồng 300 cây xanh và các thảm hoa, lắp đặt 43 trụ cờ Tổ quốc.

Văn Truyên

Tin xem nhiều