Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp ngày 20-11. Ảnh: Quốc hội Media |
Tại phiên thảo luận có 24 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành nhằm bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả của dự án.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung, cụ thể như sau:
Về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: sự phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan; phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ; lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật; hình thức đầu tư và lựa chọn phương án đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.
Phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổng mức đầu tư; nguồn vốn của dự án; khả năng cân đối nguồn vốn; phương án vận hành, khai thác; tính kết nối liên thông; tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; sự tham gia dự án của người dân và các doanh nghiệp trong nước; thời gian, tiến độ thực hiện dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư dự án; tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quốc hội Media |
Theo các đại biểu, việc xây dựng đường săt tốc độ cao là xu thế phát triển đất nước, là bước đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
Tuy nhiên, từ thực tiễn một số dự án quan trọng của quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh chủ trương, do đó cần quan tâm, xem xét các vấn đề của dự án này để bảo đảm tính khả thi.
Trong đó, sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho dự án tại các quy hoạch tỉnh có dự án đi qua phải bảo đảm kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí. Lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Đặc biệt, về nguồn vốn thực hiện dự án, nhiều đại biểu đề nghị tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Một số ý kiến lưu ý việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hồ sơ dự án; những nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 của dự án từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1; điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án; việc cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua).
Thanh Hải (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin