Ngày mới tái lập, cơ sở hạ tầng của Bù Đăng hầu như chưa có gì nhưng giờ đầy đủ đường, điện, trường, trạm phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Cùng với tiềm năng du lịch dồi dào, huyện Bù Đăng đang mời gọi doanh nghiệp lữ hành đầu tư vào các dự án du lịch, tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Vũ Văn Mười, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng kiểm tra tình hình nông thôn mới trên địa bàn |
Điểm tựa nông thôn mới
Chúng tôi đi thực tế một vòng quanh huyện Bù Đăng tìm hiểu đời sống của người dân địa phương. Đa số đường liên xã được thảm nhựa, bê tông hoá. Đặc biệt, các tuyến giao thông trọng điểm là quốc lộ 14, đường ĐT.755 đang tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ. Điện lưới quốc gia kéo về từng nhà, thắp sáng đường thôn, sóc. Hệ thống bệnh viện, trạm y tế khang trang, đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Xã Đăng Hà có đông bà con đồng bào dân tộc sinh sống, kinh tế và giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ địa phương vùng sâu, vùng xa, Đăng Hà đã hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đang có kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng để Đăng Hà sớm về đích nông thôn mới. Còn xã Nghĩa Bình đang nằm trong vùng quy hoạch bô-xít theo Quyết định số 886 của Thủ tướng Chính phủ nên các công trình đầu tư xây dựng bị tạm ngưng. UBND các xã đang kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ấn tượng hơn cả là bộ mặt thị trấn Đức Phong ngày một khang trang, các khu phố sạch đẹp, đường nhựa láng bóng. Ở khu vực trung tâm, người dân buôn bán tạp hoá ngoài mặt tiền quốc lộ 14, có hộ mua điều tươi của nông dân, chế biến thô bán ra thị trường.
Tháng 11-1976, Bù Đăng sáp nhập vào huyện Phước Long nhưng trước yêu cầu công cuộc đổi mới nên huyện được tái lập vào năm 1988. Khi đó, Bù Đăng mỗi năm thu ngân sách chỉ hơn 1 tỷ đồng và đến năm 2020 thu hơn 250 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 12,5%, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 33,6% cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng - giao thông là 24,6% và đang tạo đà phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo chia sẻ của anh Vũ Văn Đức (ngụ thị trấn Đức Phong), gia đình quê gốc Thanh Hoá vào Bù Đăng sinh sống mấy chục năm nay. Ngoài công việc buôn bán, gia đình mua thêm 2 hecsta nương rẫy trồng cà phê để tăng thêm thu nhập. Anh nói: “Trước đây, đường đất đỏ, mùa mưa thì lầy lội, trời nắng lên bụi mù mịt. Mỗi lần đi vào nương rẫy phải mất cả ngày ròng mới về nhà. Nay các con đường liên xã được cải tạo nâng cấp nên việc giao thương, buôn bán cũng dễ dàng hơn so với trước”.
Thị trấn Đức Phong (huyện Bù đăng) nhìn từ trên cao |
Với tư duy giao thông đi trước mở đường, từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Bù Đăng ưu tiên phân bổ 347 tỷ đồng để thị trấn Đức Phong nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông, nhờ đó được công nhận đô thị loại V. Trong năm 2024 và 2025, Bù Đăng chú trọng xây dựng các tuyến đường vành đai hồ Bảy Mẫu, nạo vét và làm các tuyến đường ven suối Đắk Woa, nâng cấp đường Lý Thường Kiệt, góp phần thay đổi diện mạo thị trấn Đức Phong.
Theo ông Nguyễn Huy Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bù Đăng, sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương có 12/15 xã đạt chuẩn cơ bản, 3 xã đạt chuẩn nâng cao. Bù Đăng nằm trong vùng quy hoạch bô-xít nên lãnh đạo huyện kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ, sớm đầu tư xây dựng công trình dân sinh. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để tạo sức bật đưa huyện về đích nông thôn mới.
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Chúng tôi dành nửa ngày rong ruổi, tham quan các thắng cảnh tại huyện Bù Đăng. Nơi đây có Trảng Cỏ Bù Lạch và hệ thống thác nước như Thác Voi (còn gọi là Thác Liêng Rót), Thác Đứng, Thác Pan Toong. Trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai) gây ấn tượng với du khách với khoảng 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết lại, giống như hàng chục sân golf được tạo dáng công phu, chỗ uốn lượn, mấp mô cao thấp, chỗ phẳng lì.
Già làng Điểu Lên (sóc Bom Bo) vẫn giữ thói quen uống rượu cần, còn vợ ông dệt thổ cẩm |
Theo anh Điểu Huỳnh (người đồng bào dân tộc S’tiêng), vào mùa khô, các trảng cỏ chuyển sang màu vàng, nhưng một cơn mưa là sắc xanh trỗi dậy, tràn trề sức sống. Hàng năm, trảng cỏ đón nhiều đoàn khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ đến tham quan, du lịch. Do vốn đầu tư eo hẹp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên việc phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng.
Từ Trảng cỏ Bù Lạch, chúng tôi di chuyển về hướng Thác Pan Toong, uốn quanh theo sườn đồi cao thuộc xã Đức Liễu. Thác bắt nguồn từ sông Đồng Nai chảy về hồ thủy điện Thác Mơ tạo nên khung cảnh nên thơ, hùng vĩ. Hai bên thác có nương rẫy trập trùng và bản làng của đồng bào dân tộc bản địa. Nhiều năm trở lại đây, địa phương bắc một cây cầu ngang dòng thác để mọi người tham quan, chụp ảnh và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Bù Đăng có 4 di sản là Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng, lễ hội cầu bông của người Kinh, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông, nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ trong cộng đồng người M’nông. Với đôi tay khéo léo, người phụ nữ M’nông đã phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, kỹ thuật tạo hình hoa văn đẹp mắt và tinh xảo. Để phát huy giá trị di sản, Bù Đăng đang khuyến khích các nghệ nhân dệt thổ cẩm xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách du lịch.
Du khách đến tham quan, chụp hình tại Trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai) |
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện truyền thông du lịch Newstar Media (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, Bù Đăng có sóc Bom Bo và Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Do đó, công ty xây dựng tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo”, góp phần thu hút du khách đến tham quan, du lịch tại địa phương.
Một tín hiệu vui với Bù Đăng, đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) qua huyện dài hơn 48km đang được triển khai xây dựng, giúp kết nối các tuyến du lịch sinh thái rừng, khám phá, trải nghiệm văn hóa người S’tiêng, M’nông. Có thể bắt đầu từ Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đến Trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, cầu 38 thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng. Cùng với việc kết nối tour du lịch gắn với phong tục, truyền thống của người S’tiêng, M’nông, Bù Đăng hướng tới đón 20 ngàn lượt khách tham quan vào năm 2025.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, địa phương có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ thích hợp trồng các loại cây ăn trái, hệ thống rừng nguyên sinh, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và nhiều di sản văn hoá phi vật thể được công nhận. Huyện chủ trương thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Bù Đăng nói riêng và Bình Phước nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Hoài Anh - Bách Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin