(ĐN)- Chiều 6-12, HĐND tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 và các báo cáo, dự thảo nghị quyết chuyên đề trình Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp cuối năm) HĐND tỉnh khóa X.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham gia thảo luận tại Cụm tổ số 1. Ảnh: Công Nghĩa |
Việc thảo luận được chia thành 4 cụm tổ, trong đó Cụm tổ số 1 tiến hành thảo luận tại Trụ sở khối Nhà nước tỉnh, 3 cụm tổ còn lại tổ chức ở trụ sở HĐND - UBND các huyện Thống Nhất, Trảng Bom và Cẩm Mỹ.
Tại các buổi thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu và thảo luận sâu về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 và phương hướng, giải pháp cho năm 2025. Một trong những vấn đề được đại biểu phân tích là tăng tưởng kinh tế của tỉnh năm 2024 với nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để làm rõ nguyên nhân vì sao tiến độ giải phóng mặt bằng của nhiều dự án dù có nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt được các yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ở một số địa phương vẫn còn khó khăn, tình trạng ngập úng cục bộ trên các tuyến đường ở một số địa phương, nhất là ở Biên Hòa chưa được giải quyết triệt để. Các dự án nhà ở xã hội hiện triển khai vẫn còn chậm, trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong quá trình thảo luận, đại biểu còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục còn cao so với tổng số vụ trẻ bị xâm hại. Tỉnh có nhiều cơ sở đào tạo nghề, thế nhưng đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, mới chỉ đạt 68,53%. Trong khi đó, tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp: số vụ tình tai nạn lao động dẫn đến chết người có xu hướng tăng so với năm 2023…
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên làm rõ thêm một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giải pháp cho năm 2025. Ảnh: Công Nghĩa |
Ở lĩnh vực an ninh trật tự, các đại biểu chia sẻ lo lắng về tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi hơn.
Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi sử dụng mạng xã hội, cảnh giác với các hành vi lừa đảo, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp ngăn chặn từ xa và xử lý nghiêm với hành vi này.
Tại buổi thảo luận, đại diện lãnh đạo một số ngành liên quan đã trực tiếp giải trình và làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu thảo luận để có những góc nhìn và thông tin đa chiều.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin