Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết cho rằng đó là sự trung thành “một cách mù quáng”, rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin thật sự đã chết. Các luận điệu sai trái này cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết ngoại lai, vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sai lầm…
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa |
Luận điệu sai trái về chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Bất cứ một chính đảng nào khi ra đời đều cần rất nhiều điều kiện, một trong các điều kiện đó chính là phải có học thuyết làm cơ sở nền tảng tư tưởng. Bây giờ, bằng công cụ tra cứu internet, chỉ cần gõ bất cứ tên một chính đảng nào trên thế giới đều có dòng “hệ tư tưởng”. Chẳng hạn, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì hệ tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với Đảng Cộng hòa Mỹ có rất nhiều thành tố, song một thành tố không thể thiếu là “chủ nghĩa bảo thủ Mỹ”. Cũng vậy, đối với Đảng Dân chủ Mỹ có một thành tố không thể thiếu, đó là “chủ nghĩa tự do xã hội”. Đảng Cộng sản Trung Quốc thì các thành tố của hệ tư tưởng rất nhiều, đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình…
Như vậy, việc Việt Nam lựa chọn và kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin do đặc điểm về lịch sử, xã hội Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lấy học thuyết như của Đảng Cộng hòa Mỹ hay Đảng Bảo thủ của nước Anh là điều vô lý. Mỗi quốc gia, dân tộc có quyền chọn con đường đi của mình, miễn con đường ấy đem tới sự phồn vinh và hạnh phúc cho đất nước và dân tộc. Đòi Việt Nam phải lấy hệ tư tưởng như Đảng Cộng hòa Mỹ thì chẳng khác gì đòi nước Mỹ phải có vua giống Thái Lan, đòi Nhật Bản phải có tổng thống như nước Mỹ…
Còn nói rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là ngoại lai nên không phù hợp với Việt Nam thì hoàn toàn ngụy biện.
Về luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm (!?)
Hãy nhìn lại lịch sử Việt Nam kể từ Hiệp ước Patenôtre năm 1884, tức sự kiện đánh dấu người Pháp hoàn thành việc bình định và xâm lược Việt Nam để thấy diễn trình lịch sử Việt Nam. Rất nhiều phong trào yêu nước, các tư tưởng yêu nước đã hình thành, xuất hiện và nổ ra với mưu cầu giành độc lập cho dân tộc nhưng đều thất bại. Theo con đường phong kiến có đại biểu là các vị vua: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Theo con đường của các sĩ phu có các đại biểu tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can. Theo con đường của giai cấp nông dân có đại biểu tiêu biểu là cụ Hoàng Hoa Thám. Con đường cứu nước theo con đường tư sản mà lãnh tụ tiêu biểu là Nguyễn Thái Học. Ngoài ra, còn nhiều xu hướng chính trị khác nhau nhưng tất cả đều nhằm tới mục đích tối thượng là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tất cả các phong trào yêu nước ấy, dù bằng bất cứ hình thức nào thì cuối cùng đều thất bại.
Chỉ từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền bá vào Việt Nam, thành lập chính đảng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì mới giải quyết được tất cả những khủng hoảng trong đường lối cứu nước trước đó. Nhờ được chỉ lối, đưa đường của học thuyết tiến bộ, phù hợp với Việt Nam mà nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đứng lên giành độc lập, đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu như hôm nay.
Việc nói rằng vì Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin nên bị thế giới cô lập và chậm phát triển là sai sự thật. Bởi hiện nay, mặc dù Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhưng Việt Nam không những không bị cô lập, mà còn có quan hệ rộng rãi với rất nhiều nước trên thế giới. Liên hợp quốc có 193 nước thành viên thì Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước. Việt Nam đã 2 lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao và có lần gần như tuyệt đối. Việt Nam có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với hàng trăm đảng trên thế giới, trong đó có nhiều đảng cầm quyền và tham chính. Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được 248 bức điện chúc mừng của các chính đảng, các nhà lãnh đạo trên thế giới thì đến Đại hội lần thứ XIII đã nhận được “369 thư, điện mừng của 167 chính đảng; 18 đảng bộ, cơ quan của các đảng, các nước; 6 tổ chức khu vực và quốc tế; 130 tổ chức chính trị, xã hội, hữu nghị, nhân dân; 26 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và 21 cá nhân, từ 93 quốc gia”.
Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á, thuộc một trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới…
Trong tác phẩm có tựa đề Tại sao Mác đúng?, T.Eagleton - giáo sư Đại học Tổng hợp Lancaster (Anh), đã chứng minh sự phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù chủ nghĩa tư bản có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền... đã được Mác nhìn thấy trước trong các phê phán của mình.
Về luận điệu cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin thật sự đã chết và không còn phù hợp với thế giới hiện nay(!?)
Trong thực tế hiện nay, mặc dù Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế phải gánh chịu tổn thất vô cùng to lớn bởi sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu, cũng như đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Song rõ ràng, đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế - một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác, chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. CNXH vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Mặc dù Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, thế nhưng không phải như những luận điệu huênh hoang “về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác” mà ngược lại, những tư tưởng của Mác vẫn còn nguyên giá trị.
Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác đã được tổ chức tại Paris (Pháp) quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới; các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”.
Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Jacques Derrida trong tác phẩm Những bóng ma của Mác đã khẳng định “Không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác… Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”.
Một nhà khoa học Mỹ, người được Giải thưởng Nobel về kinh tế đã từng phát biểu: “Mác là một nhân vật quá lớn để chúng tôi không thể để dành riêng Mác cho những người cộng sản”.
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, nhờ Mác mà chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động của nó - cái mà ngày nay gọi là chủ nghĩa tư bản thích nghi. Và, mặc dù nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt. Chủ nghĩa tư bản đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp của hàng chục triệu người. Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế mặc dù đang đứng trước những thử thách nặng nề, nhưng nhìn toàn cục của sự phát triển lực lượng sản xuất vẫn đang có những tiền đề khách quan thuận lợi để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Cho nên, luận điểm của Mác và Ăng-ghen về nền công nghiệp lớn hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất và xã hội để thủ tiêu chế độ người bóc lột người vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù thay đổi và điều chỉnh, song bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, khi nào những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại thì khi ấy chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên giá trị và vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho hoạt động của con người vì sự tiến bộ của nhân loại.
Viết Phước
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin