Để đả phá thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta, các thế lực thù địch luôn bịa đặt “nước ta vẫn nghèo đói”. Trước luận điệu vô căn cứ, thiếu thuyết phục, vẫn có nhiều người dùng mạng xã hội đồng tình, bàn luận thông qua thể hiện cảm xúc, các bình luận trên mạng.
Đời sống vật chất - tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Rất đông người dân đến vui chơi tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: L.Viên |
Các thế lực thù địch cho rằng, sau 49 năm (từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - PV), đất nước ta “không có gì thay đổi”, “vẫn nghèo” để phủ nhận sạch trơn thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chung tay xây dựng.
Từ nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, Việt Nam vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế trên thế giới
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước bị thực dân, đế quốc xâm lược đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do; non sông thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Từ một đất nước có xuất phát điểm là nền nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá và khi đất nước im tiếng súng cũng đã để lại rất nhiều thiệt hại đau thương cả về sức người, sức của, lẫn tài nguyên thiên nhiên…, song với ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tầng lớp nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chung sức đồng lòng xây dựng đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ.
49 năm qua, đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển; đạt được những thành tựu rất ấn tượng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 vào ngày 27-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Việt Nam từ đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, sau gần 40 năm đổi mới, đến nay đã vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế trên thế giới; có hiệp định FTA với trên 65 nền kinh tế trên thế giới. Kim ngạch thương mại năm 2024 ước đạt gần 800 tỷ USD; hiện có hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phấn đấu đạt hơn 25 tỷ USD. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên…”.
Trân trọng và tự hào
Nỗ lực phát triển của Việt Nam càng đáng trân trọng và tự hào hơn khi đặt trong bối cảnh, điều kiện, tình hình thế giới những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến mới phát sinh, vượt ngoài khả năng dự báo. Bất ổn chính trị - xã hội, các “điểm nóng” xung đột Nga - Ukraine, dải Gaza… leo thang, tiềm ẩn rủi ro tác động đến sự ổn định và phát triển tại nhiều khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng cạnh tranh chiến lược giữa các nước ngày càng gay gắt hơn. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Bên cạnh đó, an ninh mạng, an ninh năng lượng, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam…
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động, tập trung ứng phó linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả, “từ sớm, từ xa” với những biến động bên ngoài để phục hồi tình hình kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Văn phòng Chính phủ phục vụ Hội nghị toàn quốc Quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào ngày 1-12: tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.
Tiêu biểu là tăng trưởng cả năm của Việt Nam ước đạt trên 7%, thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Riêng lương thực, tính chung 11 tháng, xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ. Thu hút vốn FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới trong 11 tháng, thu hút FDI đạt 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong nhiều năm qua…
Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thực hiện mục tiêu cụ thể gần nhất nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Đi đôi với phát triển kinh tế là chăm lo đời sống văn hóa, an sinh xã hội cho người dân. Theo báo cáo trên, an sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Tăng 30% lương cơ sở, tăng 6% lương tối thiểu vùng hàng năm cho người lao động và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 (đã tích lũy trên 700 ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới cho năm 2024 và các năm sau). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143…
Trang mạng xã hội đăng luận điệu xuyên tạc về tình hình nước ta. Ảnh: Chụp màn hình |
Trong quá trình phát triển, bên cạnh những kết quả rất quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Đảng và Nhà nước đã nhận rõ những vấn đề này, rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và chiến lược phát triển lâu dài.
Mục tiêu duy nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quyết tâm thực hiện là thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một quá trình được xác định là lâu dài, trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã nêu rõ: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội đan xen”.
Do đó, việc các thế lực thù địch lợi dụng một số sự việc đơn lẻ, có lúc có nơi còn có một số tồn tại để thổi phồng, đả phá, phủ nhận sạch trơn thành quả cách mạng là điều không thể chấp nhận được.
“Báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tập trung phản ánh, tuyên truyền cách làm mới, mô hình sáng tạo, hiệu quả để lan tỏa, tạo không khí quyết tâm trong toàn xã hội thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu định hướng công tác tuyên truyền tại Hội nghị Báo cáo viên trung ương tháng 8-2024.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin