Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường: Lựa chọn đúng, trúng những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và đạo đức

Thanh Hải
14:43, 04/12/2024

Tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng - một trong những việc hệ trọng nhất của công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp là lựa chọn nhân sự để bầu vào cấp ủy khóa mới.

Do đó, nhân sự để bầu vào cấp ủy khóa mới, nhất là bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành phố, Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành… khóa mới phải thực sự xứng đáng, tiêu biểu cho toàn Đảng; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường. Ảnh: CTV

* Phải nghe người dân phản ánh để chọn những người thực sự có tài năng, dám nghĩ dám làm

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh, trong công tác nhân sự, để lựa chọn đúng, trúng những người có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để bố trí vào vị trí lãnh đạo các cấp, từ xã, phường cho đến Trung ương, thì điểm chung đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch. Điều tiên quyết là phải rà soát thật kỹ những người trong quy hoạch, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự, ai đủ tiêu chuẩn mới đưa vào.

Thứ hai là phải phát huy dân chủ cơ sở. Chỉ khi chú trọng đến việc phát huy dân chủ cơ sở thì mới có thông tin đúng về cán bộ, tức là phải tôn trọng ý kiến của người dân, ý kiến của cán bộ đảng viên ở cơ sở, cấp ủy cơ sở, để thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo đúng quy trình 2 bước, 5 bước. Đảng ta đã có quy trình về công tác cán bộ rất chặt chẽ, những gì đã có quy định thì phải thực hiện nghiêm túc, không được bỏ qua. Từ đó mới không phát sinh vấn đề tiêu cực.

Thứ ba, phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy các cấp. Bí thư cấp ủy phải là người công tâm, khách quan trong lựa chọn cán bộ, nếu không rất dễ xảy ra tiêu cực. Công tâm, khách quan thể hiện qua tôn trọng ý kiến của tập thể, ý kiến của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, không áp đặt suy nghĩ cá nhân. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… để họ tham gia nhiều vào công tác phản biện xã hội để lựa chọn cán bộ.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhấn mạnh, một nguyên tắc rất quan trọng trong công tác nhân sự là lắng nghe. Lắng nghe đầu tiên là ý kiến nhân dân, không có gì giấu được nhân dân, người cán bộ ở cơ sở ra sao nhân dân biết hết. Để biết những người thực sự có tài năng, dám nghĩ dám làm, có thành tích, thì phải nghe từ người dân phản ánh.

Ngoài ra, muốn lựa chọn được cán bộ đúng phải căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ là cả một quá trình, hàng năm, chứ không phải ngày một ngày hai. Vì thế, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của một vài người, mà nó thể hiện ra bằng kết quả công tác của người cán bộ đó trong một giai đoạn thời gian, thể hiện ra bằng sản phẩm như anh đạt được thành tựu gì; anh công tác ở địa phương đó, đơn vị đó có để lại dấu ấn gì, mang lại tiến bộ gì… chứ không thể nói chung chung. Người cán bộ tốt thì phải nói được, làm được và phải có những sản phẩm chất lượng, kết quả cụ thể. Chẳng hạn, cứ nói anh làm lãnh đạo ở địa phương rất tốt mà thu ngân sách địa phương đó bết bát, các chỉ tiêu liên tục không đạt; hay anh làm công an ở địa phương mà địa phương đó liên tục gia tăng tội phạm, trọng án… thì không thể thuyết phục.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

* Cán bộ phải phải thường xuyên tự soi, tự sửa

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường cho rằng, quy trình lựa chọn cán bộ đã chặt chẽ, các tiêu chuẩn cán bộ đều đã có, quan trọng nhất vẫn là triển khai nghiêm chỉnh và thực chất, xem xét khách quan, phải tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo trong Đảng là tập trung nhưng dân chủ.

Cùng với đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ rất quan trọng và phải triển khai thường xuyên. Có những trường hợp luân chuyển cán bộ trong thời gian ngắn đã phải điều động lại, do họ làm không tốt hoặc do vị trí khác cần họ hơn, phù hợp với họ hơn thì điều động, chứ không nhất thiết phải đủ 36 tháng. Nói tóm lại, đánh giá cán bộ là cả một quá trình. Có thể có những cán bộ mới điều động về khoảng 6 tháng, chưa có sản phẩm rõ ràng thì phải đánh giá qua thái độ tiếp cận công việc của họ và kết quả công tác của họ trước đó. Thái độ ở đây là có sâu sát cơ sở mới hay không, có hành động quyết liệt không, có xây dựng được mối quan hệ công tác tốt với địa phương và nhân dân hay không…

Thực tế, đã có những cán bộ khi bổ nhiệm thì tốt nhưng sau đó có sai phạm. Điều này là rất bình thường. Cán bộ cũng là con người, có thể hôm nay ta rất tốt nhưng một lúc nào đó có thể chúng ta không giữ được bản lĩnh cách mạng mà dao động trước một vấn đề gì đó, do nhận thức pháp luật không đúng hoặc có thể do lòng tham nên sa ngã… Vì thế, làm cán bộ phải luôn tu dưỡng bản thân, càng phải giữ mình thận trọng hơn, phải thường xuyên tự soi, tự sửa mình.

Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng phải tăng cường, thường xuyên, liên tục”.

P.V

Tin xem nhiều