Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở mặt trận thứ hai

Mai Sông Bé
15:24, 27/01/2025

Lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập một cách sáng tạo và lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa một cách hợp pháp, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, đất nước đang ở thế cùng lực kiệt nên hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam mong muốn có hòa bình bền vững để dựng xây lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

ADVERTISEMENT

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí về Xây dựng Đảng tỉnh Đồng Nai lần thứ V-2024. Ảnh: Đắc Nhân
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí về Xây dựng Đảng tỉnh Đồng Nai lần thứ V-2024. Ảnh: Đắc Nhân

Vì một nền hòa bình lâu dài cho dân tộc nên không ít lần, Người phải nén lòng nhân nhượng để tránh đối đầu xung đột vũ trang với thực dân Pháp và như Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, bởi vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa. Không. Chúng ta nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Trong khi buộc phải đối đầu với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy dã tâm của đế quốc Mỹ muốn can thiệp vào Việt Nam theo “Chiến lược vượt trên ngăn chặn” của họ. Cho nên, một mặt lo đối đầu với thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã ít nhất 10 lần chìa cành ô-liu đến Chính phủ Mỹ, từ Truman đến Eisenhower, nhưng Chính phủ Mỹ đều làm ngơ trước thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ADVERTISEMENT

Ngày 8-5-1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong thư khen bộ đội và đồng bào Tây Bắc của Bác Hồ có đoạn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ là mới bắt đầu. Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ…”.

Đến khi Hoa Kỳ và Chính phủ Ngô Đình Diệm từ chối tổng tuyển cử, đưa cố vấn quân sự Mỹ vào miền Nam, Bác Hồ đã nói: “Mặt trận thứ nhất chống đế quốc Mỹ là ở Việt Nam, mặt trận thứ hai ở ngay trong lòng nước Mỹ”.

Năm 2025 - kỷ niệm 420 năm Báo chí thế giới (1605-2025) - 160 năm Báo chí chữ quốc ngữ Latinh (1865-2025) - 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025) - 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025) - 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975 -30-4-2025).

ADVERTISEMENT

Mặt trận thứ hai trong lòng nước Mỹ không có súng thần công, đại bác nhưng có 2 “quả bộc phá” cực lớn do những hậu duệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh công khai đưa đến nước Mỹ. 2 “quả bộc phá” đó có ký hiệu là “chí nhân” và “đại nghĩa”. Thứ “bộc phá” này không màu, không mùi, trọng lượng không cân - đo - đong - đếm được nhưng nếu được kích hoạt đúng mức, nó sẽ gây ra những hiệu ứng xã hội, hiệu ứng chính trị hết sức dữ dội.

Người Việt Nam gọi thứ vũ khí ấy là “tâm công”, đã được tổ tiên người Việt Nam sáng tạo trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, được Nguyễn Trãi phát triển một cách sáng tạo thời chống quân Minh (thế kỷ XV) và sau này được người con của làng Sen nâng lên một cách đặc sắc trong nền ngoại giao Hồ Chí Minh thế kỷ XX.

***

Kết thúc Thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ là nước được hưởng lợi nhiều nhất nên phần lớn dân chúng tin tưởng vào Chính phủ Mỹ, tán thành các chính sách đối ngoại phục vụ cho “Chiến lược vượt trên ngăn chặn” để ngăn chặn sự lớn mạnh của Phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế và Phong trào Giải phóng dân tộc đang dâng lên ở khắp các châu lục. Việc Mỹ ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai và từ chối các nhành ô-liu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nằm trong chiến lược ấy của Hoa Kỳ.

Trong khi đưa “chí nhân”, “đại nghĩa” Việt Nam trực tiếp đến Hoa Kỳ nhưng ở miền Nam Việt Nam đã có lúc vài trăm rồi vài ngàn, vài chục ngàn, đến vài trăm ngàn binh sĩ Hoa Kỳ bị buộc đến xứ nhiệt đới rừng rậm, đầm lầy miền Nam thì đó là những người mà chính nghĩa Việt Nam, đạo lý Việt Nam phải tìm cách tiếp cận một cách chân thành, êm thắm nhẹ nhàng để thông qua họ, chính nghĩa Việt Nam sẽ thẩm thấu đến cha mẹ, vợ con, các gia đình và lan tỏa ra xã hội Mỹ.

Thế là chuyên mục “Chuyện nhỏ đối với binh sĩ Mỹ” ra đời trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, mà thính giả trong và ngoài nước vẫn quen gọi là Đài Hà Nội. Đài Hà Nội (VOV) là cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam đưa “tâm công” vào đất nước của Washington thông qua chiếc cầu vồng đa sắc là những binh sĩ Hoa Kỳ đang đồn trú ở miền Nam Việt Nam.

Trẻ em đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong sáng 13-11-2024. Ảnh: TTXVN
Trẻ em đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong sáng 13-11-2024. Ảnh: TTXVN

Buổi phát thanh bằng tiếng Anh dành cho binh sĩ Mỹ ở Việt Nam được những người thực hiện chăm chút với những câu chuyện nhỏ thấu lý đạt tình, được thể hiện bằng ngôn ngữ chân phương, giàu tính nhân văn được biểu đạt bằng giọng đọc truyền cảm, đầy ma lực của phát thanh viên Thanh Hương - Trịnh Thị Ngọ, một cô gái Hà Nội chính gốc. Chính giọng đọc tiếng Anh rất chuẩn, có sức biểu cảm cao của một người con gái Việt Nam chân thành, nhân hậu đã làm những anh lính Mỹ xa nhà “chết mê chết mệt” lắng nghe. Và họ trìu mến gọi Thanh Hương - Trịnh Thị Ngọ là Hanoi Hannal một cách thân thương. Từ đó “Câu chuyện nhỏ…” bằng tiếng Anh trên Đài Hà Nội không còn nhỏ nữa, mà qua những lá thư của lính Mỹ ở miền Nam gửi về quê nhà, nội dung của nó được nhân lên bằng cấp số cộng, số nhân. Tác động của “Câu chuyện nhỏ…” đến mức Tổng thống Kennedy phải thốt lên: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Qua nhận xét của Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy, những nhà báo ở Đài Hà Nội đã thành công trong việc “đưa” “chiến sĩ tâm công” Thanh Hương - Trịnh Thị Ngọ đến thủ đô nước Mỹ và “bước” vào Nhà Trắng, vào suy nghĩ của vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.

***

Nhưng việc đưa Thanh Hương - Trịnh Thị Ngọ đến Hoa Kỳ mới chỉ là một điểm son quan trọng đáng ghi nhận; mở mặt trận thứ hai ngay trong lòng đối phương, Trung ương Đảng, Chính phủ phải huy động các binh chủng hợp thành thế trận “tâm công” để làm chính nghĩa Việt Nam tỏa sáng lương tri nước Mỹ và thế giới. Bởi có một thực tế là, sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ và Anh là 2 nước được hưởng lợi nhiều nhất trên nền sự đổ nát của châu Âu nên đa phần công chúng ủng hộ chính quyền của các nước này, nhất là ở Hoa Kỳ, người dân chỉ lờ mờ hiểu rằng: miền Nam là xứ sở của rừng rậm, đầm lầy, trước đây gọi là Cochinchine của các vị vua cấm đạo Công giáo, hiện nó có tên là Việt Nam Cộng hòa đang bị chủ nghĩa Cộng sản đe dọa, Bắc Việt đã theo Cộng sản “dám” tấn công tàu bè của hải quân Hoa Kỳ ở vịnh Bắc Bộ… Cho nên, phần lớn công chúng Hoa Kỳ ủng hộ các hành động can thiệp của chính phủ để bảo vệ miền Nam trước sự “đe dọa” của Cộng sản. Tuy họ có đôi chút hoài nghi về những tuyên bố chiến thắng Việt cộng nhưng không hiểu vì sao, tướng Westmoreland cứ liên tục đề nghị chính phủ tăng thêm quân số. Điều này có nghĩa là ngày càng có thêm nhiều thanh niên là con em các gia đình Mỹ phải ra chiến trường ở cách quê nhà nửa vòng trái đất, để rồi có người trở về trên những đôi nạng gỗ hoặc trở về lặng lẽ trong những chiếc hòm kẽm phủ cờ hoa, buồn ơi là buồn!

Ngay báo chí Hoa Kỳ và quốc tế thời điểm cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 cũng chẳng mấy quan tâm đến miền Nam đau thương, mặc dù có nhiều sự kiện đáng được đưa tin (chính quyền Ngô Đình Diệm do Hoa Kỳ dựng lên giết người bằng máy chém như thời Trung cổ; đạo quân tóc dài chỉ có ở miền Nam Việt Nam…). Có lẽ, do nguyên nhân này nên người ta quan sát ở Sài Gòn vào năm 1960 chỉ có 10 nhà báo nước ngoài nhưng phần lớn trong số họ đều đưa tin theo quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ, chỉ có phóng viên của Hãng tin AP (Associated Press) của Hoa Kỳ dám đưa tin trung thực, khách quan, có khi ngược lại với quan điểm của các quan chức Mỹ. Đó là Peter Arnett của Hãng tin AP khi đưa tin về trận Ấp Bắc, ông đã đưa ra nhận định: quân giải phóng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh khiến Đô đốc Harry Feld, Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương phải nổi giận, vì cách đưa tin như vậy là trái với nhận định của tướng Westmoreland và Lầu Năm Góc.

Nhưng dần dần, với các cơ quan báo chí  và nhà báo Mỹ, cả các nhà báo quốc tế lờ mờ nhận ra có điều gì đó bất ổn cho quân đội Mỹ và Chính phủ Mỹ ở miền Nam Việt Nam nên đến năm 1964, số phóng viên nước ngoài ở Sài Gòn tăng lên hơn 40 người và đến năm 1965 - năm Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân trực tiếp tác chiến ở miền Nam thì số phóng viên nước ngoài tăng lên 419 người, trong đó có 179 nhà báo Mỹ và 174 phóng viên người Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn làm việc cho báo chí Hoa Kỳ. Đạo quân phóng viên của báo chí nước ngoài ở Sài Gòn tiếp cận với chiến tranh ở chiến trường cũng phải mang áo giáp, đội mũ sắt, phải biết phân biệt đâu là tiếng súng AK47, đâu là súng AR15, M16… Lá bùa bảo vệ sinh mạng duy nhất của họ là chữ Press trên lưng áo. Vậy mà theo quyển sách History of Negiect, đã có hơn 60 nhà báo nước ngoài thiệt mạng khi tác nghiệp ở Việt Nam. Trong đó có nhà báo Mỹ Robert Caps thiệt mạng ở Thái Bình tháng 5-1954 và nữ nhà báo Pháp Michel Laurent thiệt mạng ở Xuân Lộc tháng 4-1975.

Từ thực tế đối diện với chiến tranh, trải nghiệm với cuộc sống khốn cùng của người dân, các nhà báo Mỹ và nước ngoài nhận ra thái độ không ủng hộ của nhân dân miền Nam đối với sự có mặt của người Mỹ, báo chí miền Nam gọi ngài đại sứ Hoa Kỳ là quan thái thú, trí thức Sài Gòn xem tướng Mỹ là võ biền, không có chiều sâu văn hóa; còn người nông dân thì ngày càng tỏ ra thù địch theo cường độ ném bom, bắn pháo, hành quân đốt nhà giết chóc, bắt bớ của binh lính Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa nên các nhà báo Mỹ và quốc tế cũng nhận thức lại thực tế phũ phàng ở miền Nam và họ quay ngòi bút, ống kính máy ảnh, ống kính máy quay phim về phía quân đội Hoa Kỳ. Trong đội ngũ của họ, ngày càng có thêm nhiều nhà báo dũng cảm như Peter Arnett, nhất là từ sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và sự xuất hiện của các Hãng truyền hình NBS, CBS, ABC… với công nghệ thông tin tiên tiến.

Có một đặc điểm đáng lưu ý là vào những năm cuối 1960, trên thế giới có 200 triệu tivi thì riêng ở Hoa Kỳ có 78 triệu chiếc. Tivi trở thành người bạn thân thiết của các gia đình Mỹ nên với việc truyền tín hiệu qua vệ tinh, các thước phim chiến sĩ biệt động Sài Gòn làm chủ Đại sứ quán Hoa Kỳ 6 tiếng đồng hồ nhanh chóng bước vào phòng ngủ của các gia đình Mỹ, khiến họ choáng váng… Ngài Đại sứ Bunker, đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở đâu? Ông ấy đã bỏ trốn rồi! Chỉ với những hình ảnh sinh động và một đoạn bình như vậy đã làm chính quyền Johnson như muốn sụp đổ, còn tướng Westmoreland như kẻ chết đứng ở giữa trận tiền.

Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 với hàng loạt thành thị miền Nam, kể cả Đại sứ quán Mỹ, Phủ tổng thống, Đài Phát thanh Sài Gòn đều bị tấn công, chứng tỏ quân cách mạng miền Nam đang lớn mạnh, việc loại Việt cộng ra khỏi vòng chiến đấu trong mùa khô năm 1967 mà Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ công bố là giả dối và lâu nay, chính phủ cũng đã lừa dối Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ. Những hình ảnh về cuộc chiến đấu ngoan cường của những người yêu nước miền Nam Việt Nam mà lính Mỹ gọi là V.C (vixi) ở Sứ quán Mỹ, cùng với hình ảnh lính Mỹ trong đơn vị Charlies của trung úy William Calley xả súng giết chết 504 dân thường ở Quảng Ngãi gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai mà Báo Washington Post đăng tải đầu tiên đã làm thế giới và nước Mỹ bàng hoàng, kinh tởm, kể cả hình ảnh thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan dùng súng bắn chết người tình nghi là Việt cộng giữa ban ngày ở Sài Gòn mà không cần xét xử khiến người dân Mỹ tức giận, vì họ phải nộp tiền thuế để nuôi một bộ máy chính quyền thối nát, đem xương máu con em của mình bảo vệ những kẻ tàn ác.

Chính thái độ bất bình của người dân Mỹ sau khi được các nhà báo Mỹ trung thực, dũng cảm đưa tin về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nên họ tích cực tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Từ các cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên chống bắt lính như trả giấy gọi nhập ngũ, đốt thẻ quân dịch, đến các cuộc biểu tình của cựu chiến binh như ném trả các huân huy chương mà họ nhận được từ cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu ở Việt Nam. Rồi có cả các giới tăng lữ Công giáo, Do Thái giáo, Tin Lành cùng biểu tình phản đối chiến tranh, mà nổi bật nhất là các cuộc diễn thuyết của mục sư người Mỹ gốc Phi Luther King mà đỉnh cao là cuộc biểu tình của các sinh viên Đại học Kent State, bang Ohio diễn ra ngày 4-5-1970 bị vệ binh Hoa Kỳ xả súng giết chết 4 sinh viên, làm bị thương 9 người khác đã làm nổ tung nước Mỹ. Phong trào phản đối chiến tranh từ Hoa Kỳ lan sang Anh Quốc, các nước châu Âu, nhất là các nước Bắc Âu như: Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…

Phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã làm các chính phủ Hoa Kỳ từ Johnson đến Nixon phải chịu nhiều phen chao đảo. Như vậy, mặt trận thứ hai theo chiến thuật “tâm công” của nền ngoại giao Hồ Chí Minh đã được mở ra trong lòng nước Mỹ với sự góp sức của báo chí và các nhà báo tiến bộ của Hoa Kỳ. Mặt trận thứ hai này đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam vào ngày 30-4-1975.

Nhân kỷ niệm 420 năm Báo chí thế giới (1605-1925), 160 năm Báo chí chữ quốc ngữ Latinh (1865-2025) và 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025), lớp nhà báo hậu bối xin nghiêng mình tưởng nhớ các nhà báo quốc tế, các nhà báo Việt Nam, nhất là các nhà báo cách mạng và đặc biệt là nhớ ơn 512 nhà báo liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong khi đang tác nghiệp khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam.

     Mai Sông Bé

 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT