Báo Đồng Nai điện tử
En

Những hạt nhân gắn kết cộng đồng (bài 1)

Sông Thao - Hạnh Dung
08:19, 11/04/2025

Thời gian qua, đồng bào các tôn giáo, dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng Nai đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, đảng viên có đạo, đảng viên đồng bào DTTS trở thành những hạt nhân kết nối người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ gìn an ninh trật tự và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

ADVERTISEMENT

Bài 1: Thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân

Đồng Nai hiện có khoảng 1,2 ngàn chức sắc, chức việc Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ, Cơ đốc phục lâm… Ngoài ra, tỉnh có 1,67 ngàn đảng viên là đồng bào DTTS, gần 7 ngàn đảng viên là đồng bào có đạo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao đổi cùng lãnh đạo Sở Dân tộc và tôn giáo và các đảng viên dân tộc thiểu số tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024.Ảnh: S.Thao
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao đổi cùng lãnh đạo Sở Dân tộc và tôn giáo và các đảng viên dân tộc thiểu số tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024.Ảnh: S.Thao

ADVERTISEMENT

Đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò đoàn kết quần chúng, thực hiện chủ trương tự do tôn giáo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết tại cộng đồng dân cư.

Xây dựng mối quan hệ hòa hợp

ADVERTISEMENT

Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, chia sẻ vào những dịp lễ trọng của tôn giáo bạn, Phật giáo Đồng Nai đều tổ chức các hoạt động thăm viếng, chúc mừng.

Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mỗi dịp lễ Giáng sinh, năm mới cũng như nhiều lễ trọng khác, Tòa Giám mục Xuân Lộc đều được lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đến thăm, chúc mừng. Đồng thời, ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, các nhà sư cũng dành thời gian đến thăm hỏi các giáo xứ, linh mục, ban đoàn kết Công giáo Việt Nam các huyện, thành phố.

Tòa Giám mục Xuân Lộc, các giáo xứ và linh mục cũng có hoạt động tương tự. Qua các buổi gặp gỡ này, các chức sắc, chức việc của từng tôn giáo đã cùng nhau trao đổi về những vấn đề liên quan đến hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Điều này minh chứng cho mối quan hệ thân tình, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo tại Đồng Nai.

Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo NGUYỄN VĂN KHANG nhấn mạnh: “Việc phát triển Đảng trong đồng bào DTTS, đồng bào các tôn giáo thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự bình đẳng giữa các dân tộc và không phân biệt tôn giáo trong quá trình tập trung sức mạnh nhân dân vì sự phát triển của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung”.

Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thực hiện các chương trình an sinh xã hội thông qua việc trợ giúp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe miễn phí, cung cấp nước sạch cho người dân… Riêng năm 2024, các tôn giáo đã huy động được hơn 410 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.

Bà Quách Ngọc Lan (dân tộc Hoa, Phó tổng vụ Văn phòng Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa, nguyên Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh) là một trong những người tham gia tích cực vào các phong trào nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh.

Bà Lan cho hay, thông qua kết nối của bản thân cũng như tập thể Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa, bà vừa đóng góp vừa vận động, khuyến khích các mạnh thường quân chung tay cùng chính quyền các cấp hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bà tuyên truyền, lan tỏa những thông tin chính xác giúp cộng đồng hiểu và đồng thuận với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Còn Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Bình Sơn (huyện Long Thành) Đô Hô Sên cho hay, cùng với các dân tộc anh em, đồng bào Chăm chủ động tham gia vào các hoạt động, phong trào thi đua do địa phương phát động. Điểm nhấn là con em đồng bào đến tuổi đi học đều được đến trường, cha mẹ chú trọng việc học của con em mình. Đặc biệt, nhiều con em đồng bào Chăm đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Kịp thời đẩy lùi thông tin xấu, độc

Không chỉ kết nối hòa hợp dân tộc, những đảng viên đồng bào DTTS, đảng viên có đạo còn chủ động đẩy lùi các thông tin xấu, độc, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, trong quá trình ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức phản biện các dự thảo nghị quyết, giám sát các công trình xây dựng nông thôn mới, những ủy viên là đảng viên, đồng bào DTTS, chức sắc, chức việc, đại diện tiêu biểu của các tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó, giúp cho cơ quan chức năng nắm bắt và có những giải pháp phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Điều này cho thấy các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tại Đồng Nai ngày càng tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Thông qua các hội nghị phản biện các dự thảo nghị quyết, các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo kịp thời nắm bắt các thông tin nguồn chính thống. Từ đó làm căn cứ để tuyên truyền cho tín đồ tôn giáo mình hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phản bác, đẩy lùi các thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật.

Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện đều tổ chức ký kết Chương trình Phối hợp với các tôn giáo. Thông qua chương trình ký kết, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam cùng cấp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động trợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, tri ân gia đình chính sách, vun đắp khối đại đoàn kết giữa các tôn giáo vì sự ổn định xã hội và phát triển của đất nước... Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn chủ động ký kết Chương trình Phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận, ban, ngành để thực hiện công tác an sinh xã hội, phổ biến kiến thức pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự… 

Để đồng bào DTTS nâng cao cảnh giác, phòng chống lừa đảo, Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Văn Khang cho biết, mỗi năm, đơn vị đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về an ninh mạng, phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những người có uy tín sau đó sẽ truyền thụ lại cho cộng đồng.

Chị Thị Tuyền, đảng viên người dân tộc Chơro (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh), cho hay nơi chị làm đại diện có trên 170 gia đình dân tộc Chơro. Thông qua nhóm Zalo cộng đồng, chị Tuyền cung cấp thông tin chính thống về những vấn đề mà người dân đang quan tâm; đồng thời, định hướng để bà con không chia sẻ, thể hiện cảm xúc trước những thông tin chưa được kiểm chứng, góp phần ổn định tình hình ở khu dân cư.

Chị Tuyền bộc bạch: “Vừa qua, tôi cùng nhiều người dân khác trong cộng đồng nhận được cuộc gọi của các đối tượng lừa đảo giả danh là cán bộ điều tra, yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân vì có liên quan đến vụ việc lừa đảo. Khi biết thông tin này, tôi đã giải thích để bà con hiểu được chiêu thức lừa đảo của các đối tượng và đề nghị bà con không cung cấp bất kỳ thông tin gì. Từ đó tránh được nguy cơ bị kẻ gian lừa đảo”.

Sông Thao - Hạnh Dung

Bài 2: Chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và làm đẹp quê hương

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT