Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Bữa ăn gia đình - kết nối yêu thương

05:06, 25/06/2011

Sau thời gian làm việc, bữa cơm gia đình chính là khoảng thời gian sum họp, thư giãn để cha mẹ, con cái có dịp chăm sóc, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống.

Sau thời gian làm việc, bữa cơm gia đình chính là khoảng thời gian sum họp, thư giãn để cha mẹ, con cái có dịp chăm sóc, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống.

 

Trước đây, nhiều người vợ, người mẹ chỉ lo chuyện con cái, cơm nước. Còn trong thời hội nhập, vị thế của chị em đã khác: họ có những đóng góp quan trọng cho xã hội và cho kinh tế gia đình. Công việc xã hội đã lấy đi khá nhiều thời gian của chị em, nhưng không vì thế mà họ không quan tâm đến gia đình - trong đó có việc chăm chút cho bữa ăn gia đình.

 * Bữa ăn thời… siêu thị

Là Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, chị Nguyễn Thị Hoàng rất bận rộn với công tác quản lý, rồi phải học nâng cao, hay đi công tác, nhà lại có hai con nhỏ… Có những lúc, dù được sự trợ giúp của chồng nhưng chị vẫn thấy mình quá tải trong công việc. Để có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chị đã “đồng hành” với thực phẩm siêu thị và đưa máy móc hiện đại vào nhà bếp. Nhờ đó, việc nội trợ của chị trở nên nhẹ nhàng hơn. Chị cho biết: “Dù bận đến đâu, tôi vẫn cố gắng nấu ăn cho cả nhà ít nhất một bữa tối. Đây là dịp để tôi hướng dẫn con gái biết công việc bếp núc”.

Thực phẩm trong siêu thị là lựa chọn của nhiều gia đình. Ảnh: P. LIễu

 

Còn chị Ngọc Hương, một công chức nhà nước, thì chia sẻ: “Nội trợ bây giờ đã đỡ vất vả hơn nhờ hỗ trợ của các dịch vụ mua bán và các phương tiện hiện đại trong nhà bếp. Tôi đi siêu thị mỗi tuần 2 lần để mua thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm đã qua sơ chế. Để làm những món ăn ngon cho chồng con, tôi thường vào các trang web dạy nấu ăn để học nấu những món ăn lạ miệng”.

Từ đó, tay nghề ẩm thực của chị Hương được nâng lên. Chị kể, hôm Tết, có nhiều thời gian nên chị nấu mấy món hơi cầu kỳ, trang trí bắt mắt. Dọn lên đãi ông xã và mấy người bạn, ông xã của chị tấm tắc khen và hỏi: “Tết mà em cũng đặt được nhiều món ngon vậy à?”. Và ông xã chị rất ngạc nhiên khi biết chính vợ mình nấu. “Nấu ăn ngon, cũng là một cách giữ hạnh phúc gia đình và giữ chồng…” - chị Hương khẳng định.

* Kết nối yêu thương

Bữa ăn gia đình không chỉ là việc tụ họp ăn uống mà còn là nơi thể hiện văn hóa ứng xử của người Việt. Ăn cơm gia đình cũng không phải chỉ để no bụng mà các thành viên còn có dịp chia sẻ, hiểu nhau hơn. Cũng trong bữa ăn, còn biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Đó không chỉ là bài học về văn hóa ăn uống “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mà còn cả những bài học về “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và biết bao bài học về đạo làm người...

Vợ chồng hợp sức trong cuộc thi nấu ăn. Ảnh: P.LIễu
Vợ chồng hợp sức trong cuộc thi nấu ăn. Ảnh: P.LIễu

 

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) trong lần về nói chuyện chuyên đề tại Đồng Nai mới đây cho rằng: “Một trong những nguyên nhân bắt nguồn của sự đổ vỡ ở nhiều gia đình chính là sự thiếu vắng bữa cơm gia đình. Với người Việt, bữa cơm có đủ mặt cha mẹ, con cái chính là dịp các thành viên gặp gỡ, trao đổi và thể hiện tình cảm với nhau. Nhưng thời công nghiệp bận rộn, bữa cơm có đủ thành viên đang trở nên hiếm hoi, và thay vào đó là những bữa ăn tiệm, ăn nhanh, ăn đơn giản để dành thời gian cho việc học hành, nghỉ ngơi, giải trí… khiến cha mẹ, vợ chồng, con cái mất cơ hội gần gũi, thăm hỏi lẫn nhau. Đáng nói hơn, thiếu vắng bữa ăn gia đình đồng nghĩa với việc người phụ nữ mất dần vai trò nội trợ của mình. Rồi con em của những gia đình “cơm hàng” ấy cũng lại “không nấu cơm nhà, con ra ăn tiệm”. Con gái lớn lên chẳng biết làm một bữa ăn đơn giản. Những đứa con trong gia đình không biết những vấn đề tối thiểu như khi ăn phải biết mời ông bà, cha mẹ, biết gắp những miếng ăn ngon cho người lớn…”.

Bà Đặng Lan Hương, một chuyên gia tham vấn tâm lý của Đồng Nai, cho biết: “Thời công nghiệp, nhiều gia đình không có điều kiện ăn với ngày 3 bữa. Riêng gia đình tôi vẫn cố gắng giữ nếp này. Một là, để gắn kết tình thân. Hai là, bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh. Ba là, tiết kiệm chi phí. Nếu không còn bữa ăn gia đình, tổ ấm chỉ còn là… nhà trọ!”.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều