Dù bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng trên thực tế, nền tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, những giá trị đạo đức truyền thống… vẫn có sức sống bền vững.
Dù bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng trên thực tế, nền tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, những giá trị đạo đức truyền thống… vẫn có sức sống bền vững.
Vị tha, hiếu nghĩa, thủy chung… vốn là những đức tính truyền thống của người Việt Nam. Vì vậy, dù trải qua nhiều bất hạnh, đau khổ, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ được tổ ấm của mình luôn ấm.
>>> Bài 1: Bữa ăn gia đình - kết nối yêu thương
>>> Bài 2: Vì một “gia đình xanh”
* Từ giữ nếp hiếu nghĩa, thủy chung…
Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Văn Cón |
“Thủy chung cả lúc gian nan” là điều mà hàng xóm nói về bà Nguyễn Thị Mơ (phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa). 38 năm chung sống với chồng thì gần nửa chặng đường, chồng bà - ông Đinh Văn Mai, gắn với chiếc xe lăn. Bị bán thân bất toại sau một tai nạn giao thông làm gãy cột sống nên từ một người đàn ông trụ cột gia đình với nhiều cơ hội thăng tiến trong xã hội, cuộc đời ông Mai đã chuyển sang hướng khác. Ông mất nhiều thứ, nhưng có một thứ mãi còn, đó là tình thân gia đình. Dù nửa người bại liệt, mọi chuyện ăn, ở, vệ sinh cá nhân tại chỗ, nhưng ông Mai vẫn sống rất yêu đời vì bên ông có người vợ luôn chia sẻ những đớn đau, bất hạnh.
Nhiều năm qua, bà Mơ đã trở thành đôi chân, thành điểm tựa vững chãi của chồng. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà Mơ cười hiền lành: “Dù thế nào đi nữa tôi vẫn thương yêu và phải yêu thương anh ấy nhiều hơn. Nếu so với những nhọc nhằn của tôi thì anh ấy còn khổ hơn nhiều. Cứ hình dung một người trẻ, tự do với nhiều cơ hội thăng tiến..., đùng một cái phải nằm một chỗ, không hụt hẫng, không khó chịu sao được”. 18 năm trên giường bệnh, phần mông lưng của ông bị hoại tử lở loét. Hàng ngày bà Mơ vẫn cặm cụi lau rửa cho chồng với tất cả tình yêu thương...
Còn sự thủy chung của chị Nguyễn Thị Kim Xuân, cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng khiến nhiều đồng nghiệp cảm phục. 20 năm làm vợ, cũng gần chừng ấy năm chị phải nuôi người chồng bệnh tâm thần. Anh không còn khả năng lao động, lúc trái gió trở trời, căn bệnh lại bùng phát, anh vật vã, la hét, chửi mắng và đập phá đồ đạc trong nhà. Những lúc như thế, chị lại lặng lẽ đưa chồng đi bệnh viện. Biết bệnh của chồng dễ bị kích động, nên chị luôn cố gắng tạo bầu không khí hòa thuận, đầy tình yêu thương nhằm giữ cho anh một tâm lý cân bằng.
Nhiều người biết chuyện đều nói chị Xuân là người vợ giỏi chịu đựng vì ít ai nghe chị to tiếng với chồng hay than vãn về những vất vả của mình. Đi làm, chăm sóc chồng bệnh, nuôi dạy con, nhưng bù lại con gái chị đã trở thành sinh viên trường y với một kho thành tích trong suốt quá trình học tập. Nhọc nhằn đời thường thì ai cũng có, nhưng để duy trì được gia đình, chăm lo chồng con tốt không phải ai cũng làm được, nếu không có sự hy sinh vô cùng to lớn từ phía người vợ, người mẹ.
* …Đến xây dựng gia đình hiếu học
Cả gia đình cùng tham gia hoạt động trong ngày hội gia đình. Ảnh: P.Liễu |
Cùng với đạo lý hiếu đễ, thủy chung, bao dung, nhân hậu, gia đình hiếu học cũng là nơi nuôi dưỡng và cung cấp cho xã hội những công dân hoàn thiện về mặt ý thức và tri thức. Toàn tỉnh hiện có hơn 97 ngàn gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Nhiều gia đình hiếu học trong số này đã được tuyên dương ở các cấp.
Sinh ra và lớn lên trên đất miền Trung đầy nắng gió, ông Đoàn Quang Thùy (hiện ở ấp 5, Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) luôn mang theo mình tinh thần hiếu học. Nhiều năm gắn bó với đất Đồng Nai, cuộc sống vất vả nhưng gia đình ông luôn quyết tâm lo cho con ăn học thành tài. Thấy cha mẹ vất vả, các con của ông Thùy chăm chỉ học hành và đỗ đạt cao. Trong 4 người con của ông, có 3 người đã tốt nghiệp đại học. Riêng người con thứ hai có 2 bằng đại học và người con thứ ba đang du học tại Nga. Còn cô con gái út học lớp 11 nhưng cũng thành tích đầy mình. Ông Thùy tâm sự: “Dồn sức cho con học, đấy chính là xây cho con cái nền vững để ra đời, các con thành người tốt”.
Cũng vượt qua nghịch cảnh để nuôi con ăn học thành tài, người thương binh khiếm thị Đỗ Công Đợ (ở xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) dù phải sống trong bóng tối hơn 15 năm qua, nhưng nghị lực của ông khiến người sáng mắt khâm phục. Bị mù, nhưng ông vẫn tăng gia sản xuất, chăm lo việc học hành của con cái. Đến nay, ông bà gần như đã toại nguyện khi kinh tế ổn định, đặc biệt là cả 6 người con đã học thành tài. 5 trong 6 người con của ông đã tốt nghiệp đại học, có người có hai bằng đại học, người thì đang học cao học tại Mỹ. Ông bà chỉ có một người con trai học trung cấp nghề, nhưng cũng chuẩn bị học liên thông lên đại học. Anh Đỗ Huy Hoàng, con trai ông Đợ, xúc động: “Chúng tôi luôn tự hào về cha mình”.
Nếu ở nước ngoài, cha mẹ già thường được đưa vào viện dưỡng lão, thì ở Việt Nam, cha mẹ già thường được con cái lo cả vật chất lẫn tinh thần. Năm 2010, toàn tỉnh có hơn 112 ngàn hộ gia đình có người cao tuổi và hầu hết người cao tuổi đều sống chung với con cháu. |
Phương Liễu