Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:<i> Nhiều khó khăn cần tháo gỡ</i>

03:06, 28/06/2011

Trong năm đầu tiên Đồng Nai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đã có trên 7 ngàn người được đào tạo nghề. Sang năm 2011, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 17 ngàn LĐNT được học nghề.

Trong năm đầu tiên Đồng Nai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đã có trên 7 ngàn người được đào tạo nghề. Sang năm 2011, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 17 ngàn LĐNT được học nghề.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: Để triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010-2020, ngay từ đầu năm 2010, sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo quán triệt việc thực hiện nội dung này trong cán bộ lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, đề án cũng đã được đưa vào nội dung Nghị quyết của đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh.

* Sự nỗ lực từ nhiều phía

Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, Phó ban thường trực thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, đến nay 11 huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đều đã thành lập được ban chỉ đạo thực hiện đề án của cấp mình để nâng cao hiệu quả vận động người LĐNT tham gia học nghề. Bởi, một trong những khó khăn khi triển khai đề án chính là việc nâng cao tính tự giác của LĐNT trong việc học nghề để nâng cao năng suất lao động, cải thiện cuộc sống.

Nông dân xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) thu hoạch lúa. Ảnh: C.Nghĩa
Nông dân xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) thu hoạch lúa. Ảnh: C.Nghĩa

Trong năm đầu tiên triển khai, ban chỉ đạo đề án đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề ở 42,6 ngàn hộ tại 142 xã trong toàn tỉnh. Qua khảo sát, có tới 18,2 ngàn người bày tỏ mong muốn được học một nghề ổn định, trong đó có các nghề như: may mặc, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt…

Ông Trần Đăng Minh, ấp 2, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), một trong những nông dân tham gia học nghề từ đề án này cho biết: Trước đây ông có nuôi gà thả vườn nhưng với số lượng rất ít và không dám nuôi nhiều vì sợ gà bị bệnh chết hàng loạt. Năm 2010, ông Minh được tham gia một khóa tập huấn nuôi gà thả vườn, gà lấy trứng nên đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn gà và đầu tư vào hệ thống chuồng trại. Đàn gà của ông Minh bước đầu cho lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ông Minh cho biết, trong thời gian tới, khi kinh nghiệm về nuôi gà được tích lũy thêm, ông sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa…

* Còn đó những khó khăn

Mặc dù lợi ích của việc học nghề không ai có thể phủ nhận, nhưng thực tế ở một số nơi, người LĐNT vẫn chưa thực sự thiết tha với nó. Ông Cổ Thế Hành, Phó phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán cho biết, toàn huyện đã có 537 lượt LĐNT được học nghề, trong đó nghề chăn nuôi gà, heo, trồng trọt nấm, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ việc sản xuất được chọn học nhiều nhất. Thế nhưng, một trong những khó khăn mà huyện gặp phải là việc đào tạo nghề cho bà con đồng bào các dân tộc ít người. Vì đa số trong họ vẫn tồn tại suy nghĩ muốn đi làm ngay, kiếm tiền ngay chứ không muốn mất thời gian, chi phí cho việc học nghề…

Hiện Sở Lao động - thương binh và xã hội huy động được 9 trung tâm dạy nghề và 1 trường trung cấp nghề vào việc đào tạo nghề cho nông dân. Tuy nhiên, các trung tâm dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, chưa tạo được sức hút để LĐNT mạnh dạn đến để học nghề.

Tại hội nghị sở kết 1 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010-2020 được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu các huyện đã nêu ý kiến: Các lớp đào tạo nghề cho nông dân không nên chỉ tổ chức ở các trường, các trung tâm dạy nghề, mà tổ chức lưu động ở từng xã, ấp. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa…

Ông Phạm Văn Vinh, nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) kiến nghị, để việc học nghề thu hút được nhiều nông dân hơn nữa, Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện song hành hai biện pháp: nông dân học nghề xong thì được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng chính sách - xã hội hoặc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với lãi xuất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học. Bởi không phải LĐNT nào học nghề xong cũng phù hợp đi vào các nhà máy, xí nghiệp để xin việc làm. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch cho biết, hiện nhà trường có nhiều ngành nghề để đào tạo cho LĐNT. Tuy nhiên, việc thu hút được học viên tới học vẫn là một thách thức đối với trường.

Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy việc đào tạo nghề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉnh sửa giáo trình dạy nghề phù hợp với đối tượng học; ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ với các nghề đặc thù phù hợp với sự phát triển của địa phương…

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều