Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người đi gỡ rối

09:06, 29/06/2011

Các anh chị gắn bó với “nghề” tư vấn tâm lý, gỡ rối tơ lòng mà chúng tôi gặp đã có thâm niên với nghề. Với họ, bao buồn vui, vất vả, nhọc nhằn là không đáng kể khi những lời tâm sự, tư vấn của họ giúp nhiều gia đình trụ lại và vượt khỏi bờ vực tan vỡ…

Các anh chị gắn bó với “nghề” tư vấn tâm lý, gỡ rối tơ lòng mà chúng tôi gặp đã có thâm niên với nghề. Với họ, bao buồn vui, vất vả, nhọc nhằn là không đáng kể khi những lời tâm sự, tư vấn của họ giúp nhiều gia đình trụ lại và vượt khỏi bờ vực tan vỡ…

 “Chị ơi, em đang đứng trên cầu Đồng Nai. Em muốn nhảy xuống sông để... chết!”. Từ đầu dây bên kia, giọng người phụ nữ bị chồng phụ tình cất lên thổn thức. Chị nhẹ nhàng an ủi: “Nào, có gì em nói chị nghe, chị sẽ giúp em. Cứ bình tĩnh trao đổi với chị, mọi chuyện sẽ được giải quyết thôi mà!”. Kiên nhẫn chuyện trò, gỡ rối và chị đã thuyết phục được người phụ nữ ấy từ bỏ ý định ban đầu.

 * Từ niềm vui trong công việc…

Đó chỉ là một trong số rất nhiều cuộc tư vấn mà các anh chị chuyên gia tâm lý đã từng làm. Chị Phạm Thị Hòa, thạc sĩ tâm lý - chuyên gia tư vấn tâm lý (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết: “Có những buổi tư vấn xong, chúng tôi cảm giác như cứu được một đứa trẻ, một gia đình bên bờ sự đổ vỡ tìm lại được hạnh phúc”.

Chị Hoàng Ngọc Điệp trong một buổi nói chuyện, tư vấn.
Chị Hoàng Ngọc Điệp trong một buổi nói chuyện, tư vấn.

Phần lớn khách hàng của các chuyên gia tâm lý là những người đang rơi vào trạng thái bế tắc, đau khổ, thậm chí muốn tìm đến cái chết vì những bi kịch của cuộc đời, như: những rắc rối trong đời sống vợ chồng, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, những cuộc tình tay ba, chuyện bất đồng trong quan niệm và phương pháp giáo dục con cái, rối loạn tâm lý tuổi mãn kinh... Những cô, cậu tuổi teen cũng gọi tới để xin tư vấn về những bối rối trong đời sống tâm - sinh lý tuổi học đường. Có không ít những đứa trẻ cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình khi cha mẹ quá mải mê làm ăn; những em bé gái bất hạnh sống thu mình sau khi bị xâm hại…

Những lúc đó họ thường tìm đến nhà tư vấn để được nghe những lời chia sẻ, hướng giải quyết phù hợp. Phải trả lời hàng trăm lá thư tay, e-mail, điện thoại, thậm chí xuống tận nơi gặp người cần tư vấn, phối hợp cùng các ban ngành, địa phương can thiệp, trợ giúp… là những công việc thường xuyên của các anh, chị.

Niềm vui từ những ca tư vấn thành công, giúp nhiều gia đình vun đắp lại được hạnh phúc, tiếp tục chung tay chăm lo tổ ấm của mình đã khiến các anh chị thấy “nghề” tư vấn thật sự có ý nghĩa. Chị Hoàng Ngọc Điệp (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), người mà nhiều bạn đọc, bạn nghe đài biết đến, đã bộc bạch: “Để có thể chia sẻ, giải đáp rất nhiều tình huống khác nhau của khách hàng, bản thân tôi không thể chỉ dựa trên kinh nghiệm riêng rồi suy bụng ta ra bụng người. Nhà tư vấn phải luôn học hỏi, tích lũy tri thức, đổi mới phương pháp… để làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Còn nhà tâm lý giáo dục Đặng Thị Lan Hương - là “chị Tâm Đan” đầu tiên của Báo Đồng Nai trong suốt 9 năm (sau này chị Hoàng Ngọc Điệp đảm trách) và tham gia nhiều chương trình tư vấn tâm lý khác, cho rằng: “Những cái “rối” của khách hàng là những bài học cho bản thân. Khi gỡ rối cho họ cũng là dịp mình nhìn lại mình, nhắc nhở mình trong cách sống”.

*… Đến khó khăn của người đi gỡ rối

Dù thực tế khó khăn song các anh chị làm nghề tư vấn vẫn đang nỗ lực làm tốt vai trò của mình. Chị Phạm Thị Hòa nói: “Chúng tôi làm việc không có giờ giấc, cũng không có định lượng thời gian, bởi bất kể khi nào thân chủ cần tới là mình tư vấn. Khách hàng đôi lúc gọi điện tới không phải để hỏi mà chỉ muốn trút lên mình những tâm tư, bức xúc. Hồi mới vào nghề, đã có lần tôi cũng bị cuốn theo những cảm xúc mà đôi lúc chính mình rơi vào stress. Nhiều đêm đang ngủ, tôi phải bật dậy vì tiếng chuông điện thoại reo, có ca tư vấn kéo dài tới cả 3 tiếng đồng hồ giữa đêm khuya”. Còn với chị Hoàng Ngọc Điệp thì: “Không còn nhớ đã tư vấn bao nhiêu trường hợp, hỗ trợ bao nhiêu gia đình, đôi lứa. Có những cuộc tư vấn kéo dài hàng giờ đồng hồ, chị bị buốt tai, đau họng, mất tiếng…”.  

Điều các anh chị trăn trở sau nhiều năm làm công tác tư vấn là còn nhiều vấn đề, như: nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi; thương cho thân phận của một số người phụ nữ - nhất là những phụ nữ ở các vùng nông thôn vốn còn vất vả lại chưa có được sự tôn trọng, chia sẻ thỏa đáng từ phía người chồng...

Hà Châu


 

 

 

Tin xem nhiều