Báo Đồng Nai điện tử
En

Ở những gia đình “tứ đại đồng đường”

09:06, 29/06/2011

Thời hiện đại, mô hình gia đình hạt nhân (chỉ 2 thế hệ) đang thay thế dần mô hình nhiều thế hệ (3-4 thế hệ) cùng chung sống. Nhưng gia đình nhiều thế hệ vẫn có sức sống riêng của nó.

Thời hiện đại, mô hình gia đình hạt nhân (chỉ 2 thế hệ) đang thay thế dần mô hình nhiều thế hệ (3-4 thế hệ) cùng chung sống. Nhưng gia đình nhiều thế hệ vẫn có sức sống riêng của nó.

“Như tre ấm bụi” là cách ví von của ông Nguyễn Duy Công (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) về gia đình “tứ đại đồng đường” của mình. Hiện ông bà đang sống với vợ chồng người con trai út, còn những người con khác ở riêng, ăn riêng. Song các con ông thường xuyên qua lại, chăm sóc cha mẹ và hỏi thăm lẫn nhau. Mỗi khi gia đình có chuyện cần bàn bạc, các con ông cũng đều cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ nhau không chỉ tinh thần mà cả vật chất. Theo ông, điều cơ bản để điều hòa các mối quan hệ trong “tứ đại đồng đường”, là sự gương mẫu và công bằng của cha mẹ. Chị Đào Thị Lan Hồng, con dâu ông Công cho biết: “Cha mẹ chồng tôi rất tâm lý, không phân biệt gái với dâu, trai với rể… Vì thế, anh em trong nhà rất kính trọng và yêu quý ông bà”.

Bà Thủy, vợ ông Nguyễn Duy Công cùng con dâu làm cơm.
Bà Thủy, vợ ông Nguyễn Duy Công cùng con dâu làm cơm.

 

Còn gia đình ông Nguyễn Trọng Thúc, cũng ở phường Trung Dũng, là một gia đình “tứ đại đồng đường” nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Đến thăm nhà ông, chúng tôi cảm nhận được nếp nhà mẫu mực qua cách cha con ông trò chuyện với nhau, qua cách đứa cháu bưng ly nước mời ông… Ông Thúc cho rằng: “Nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà, chắc chắn sẽ có những va chạm về quan niệm sống. Nhưng tôi luôn cố gắng giữ cân bằng qua cách sống cởi mở và trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Văn Lai, 84 tuổi, ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) là người “đầu tàu” của một “đoàn tàu” 4 thế hệ với gần 60 thành viên. 5 trong số 6 người con của ông ở riêng, nhưng các gia đình nhỏ ấy vẫn luôn có sự đồng hành trong đại gia đình. Cứ cuối tuần, con cháu lại tập trung để ăn bữa cơm gia đình, hoặc từng nhà luân phiên mời cơm cha mình và các anh em. Ông Lai cho biết: “Dù xã hội thay đổi thế nào thì sự gắn kết trong gia đình nhiều thế hệ sẽ vẫn làm “cái gốc” gia phong thêm vững chãi. Bởi sống trong gia đình nhiều thế hệ, mỗi thành viên đều phải tự điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ của mình…”.

Phương Uyên

 

Tin xem nhiều