Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Phát huy mặt tích cực

10:07, 20/07/2011

Điều dễ dàng nhận thấy là sau hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, kết quả bước đầu rất khả quan.

Điều dễ dàng nhận thấy là sau hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, kết quả bước đầu rất khả quan.

Anh Lê Hải Thanh, Bí thư Đoàn xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cho biết Hố Nai 3 cũng là một trong những xã được chọn thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã từ  năm 2010. Sau khi mô hình được triển khai đã đem lại nhiều thuận lợi cho địa phương.

 * Nhân rộng mô hình

Anh Hải Thanh nêu ví dụ cụ thể: Trước đây các ngành, đoàn thể muốn triển khai hoạt động gì phải xin ý kiến Bí thư Đảng ủy trước. Sau khi Bí thư đồng ý, đại diện các ngành, đoàn thể lại phải trình UBND xã để xin kinh phí. Trong những trường hợp như thế, một trong hai đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch UBND xã đi vắng thì các ngành, đoàn thể phải chờ đợi, làm gián đoạn công việc. “Bây giờ hai chức danh tập trung ở một người, bớt được khâu xin ý kiến, chờ chủ trương. Và điều quan trọng là giờ đây không còn xảy ra tình trạng người này quyết nhưng người kia lại không đồng ý… Tôi nghĩ mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã nên tiếp tục thực hiện và nhân rộng ra các địa phương khác” - anh Hải Thanh cho biết.

Cùng một lúc giữ hai trọng trách quan trọng - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã phải làm việc tất bật. Trong ảnh: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Đỗ Xuân Khánh (trái) đang trao đổi công việc với cán bộ xã.  Ảnh: P.Hằng
Cùng một lúc giữ hai trọng trách quan trọng - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã phải làm việc tất bật. Trong ảnh: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Đỗ Xuân Khánh (trái) đang trao đổi công việc với cán bộ xã. Ảnh: P.Hằng

Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Ngô Văn Hải cho hay: “Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban thường vụ Huyện ủy đã chọn 3 xã: Thanh Bình, Trung Hòa và Hố Nai 3 để thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện với những kết quả tích cực đem lại, cho thấy đây là chủ trương đúng đắn. Trong đó, đáng ghi nhận là sự đoàn kết nội bộ ở các xã được nâng lên; tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đều đạt và vượt. Tại các xã này cũng chưa có biểu hiện về chuyên quyền, độc đoán ở những đồng chí được đảm nhận hai trọng trách Bí thư đồng thời là Chủ tịch. Từ những kết quả này, sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua, huyện Trảng Bom đã nhân rộng mô hình nhất thể hóa ra 5 xã nữa: Quảng Tiến, Đông Hòa, Sông Thao, Tây Hòa và Bắc Sơn”.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh, thời gian qua huyện đã chọn 3 xã với các đặc thù khác nhau để thực hiện mô hình này. Đó là các xã: Bình Hòa, Tân An và Thạnh Phú. Đến nay cả 3 xã đều triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả.

 * Cần có cơ chế phù hợp

Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thạch (huyện Thống Nhất), thì quá trình triển khai thực hiện mô hình này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, đến nay cũng chưa có hướng dẫn về đội ngũ cán bộ giúp việc cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, trong khi nhiệm vụ của người đứng đầu hai tổ chức quan trọng này chỉ đặt lên vai một người nên khối lượng rất lớn. “Nếu bộ phận giúp việc không mạnh thì sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng ủy và UBND xã. Một vấn đề nữa là đến nay vẫn chưa có chính sách đãi ngộ đối với chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Hiện nay lương của chức danh này còn thấp, trong khi trách nhiệm công việc thì cao” - ông Nguyễn Thanh Hoàng bày tỏ.

* Ông Phạm Hữu Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom): Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ

Trong bầu chọn người làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, quan trọng nhất là phải chọn được nhân sự có năng lực, kinh nghiệm và được tín nhiệm cả trong cấp ủy Đảng và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, phải thực hiện quy chế dân chủ một cách nghiêm túc; có quy định, quy chế rõ ràng để phân định rõ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn và các mối quan hệ công tác của Bí thư kiêm Chủ tịch với cấp ủy, HĐND và UBND, không để lẫn lộn “vai” Đảng với chính quyền.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), cho hay từ khi đảm nhận cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng ở địa phương, khối lượng công việc tăng thêm 50% so với trước đây ông làm Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã. “Tuy vậy, chế độ chính sách cho chức danh này chưa tương xứng với trách nhiệm công việc đảm trách” - ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện mô hình này, ông Nguyễn Thành Đồng phải tham gia rất nhiều cuộc họp, cuộc họp nào cấp trên cũng đều mời đích danh đồng chí Bí thư, hay Chủ tịch đi dự, mà Bí thư và Chủ tịch thì cũng chính là ông. Do vậy, nguyên chuyện đi họp tốn mất 25% thời gian công việc. Theo ông Đồng, các cấp nên đẩy mạnh việc triển khai họp trực tuyến để giảm bớt thời gian đi lại của cán bộ cơ sở, có như vậy cán bộ mới có nhiều thời gian để đi về các ấp, khu dân cư, kịp thời nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, đề ra được những quyết sách đúng, trúng và hợp lòng dân hơn nữa. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng khi quyền lực tập trung vào một người không dẫn đến độc đoán, chuyên quyền thì phải tăng cường vai trò giám sát của Đảng, HĐND và MTTQ.

Phương Hằng


 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều