Cán bộ xã, phường, thị trấn là những người thường tiếp xúc, giải quyết nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân ở địa bàn dân cư. Sự tin tưởng hay phiền hà đối với bà con vì vậy thường liên quan đến đội ngũ này.
Cán bộ xã, phường, thị trấn là những người thường tiếp xúc, giải quyết nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân ở địa bàn dân cư. Sự tin tưởng hay phiền hà đối với bà con vì vậy thường liên quan đến đội ngũ này. Chủ trương triển khai thí điểm việc nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã cũng nhắm đến việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, khả năng quản lý của UBND xã, phường, thị trấn và phát huy vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo ở cơ sở.
Tại Đồng Nai, ngay từ khi chuẩn bị thực hiện chủ trương thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã hướng dẫn tiêu chuẩn cụ thể, như: không quá 45 tuổi; có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và trình độ chính trị là cao cấp; có năng lực và kinh nghiệm trong công tác Đảng, chính quyền. Qua triển khai ở 21 xã, thị trấn (tính đến tháng 5-2011) cho thấy số cán bộ đảm đương công việc này cơ bản đạt tiêu chuẩn đề ra. Về trình độ chuyên môn, 19 người có trình độ đại học, 2 trung cấp; về lý luận chính trị, 14 người có trình độ cao cấp, 7 trung cấp. Đa số cán bộ trước khi nhận đảm trách 2 vị trí quan trọng này đã làm Bí thư hay Chủ tịch UBND xã và có 5 người là cán bộ luân chuyển.
Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm chủ trương nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã trên địa bàn tỉnh cho thấy những kết quả bước đầu đáng khích lệ: Cán bộ đảm nhận vị trí này được đề cao vai trò, trách nhiệm; giảm các cuộc hội họp và các thủ tục hành chính gây phiền hà cho cán bộ và nhân dân; chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở; cán bộ bớt ỷ lại, trông chờ, đùn đẩy trách nhiệm; các nghị quyết, chủ trương của cấp ủy Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống... Những kết quả bước đầu đó đã thể hiện vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng được tăng cường; sự quản lý của chính quyền đạt hiệu quả cao hơn; mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị ngày càng gắn bó.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cũng cho thấy những khó khăn, hạn chế cần khắc phục: Vì một người đảm nhận hai vai nên phải mất nhiều thời gian tham gia các cuộc họp liên quan đến công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; một số người dễ sa vào giải quyết các sự vụ của chính quyền mà sao nhãng công tác Đảng, đoàn thể; công việc tăng lên nhiều nhưng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm 20% là chưa phù hợp…
Để việc triển khai thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã phát huy hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ của người Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã; có quy chế làm việc của cấp ủy theo mô hình này; có sự kiểm tra thường xuyên, liên tục của các cấp để tránh tình trạng người đảm nhận nhiệm vụ này lạm quyền, độc đoán; có chế độ phù hợp và tăng thẩm quyền cho cấp phó để đảm bảo giúp việc hiệu quả cho Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã…
Hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã trên địa bàn Đồng Nai là thời gian quá ngắn để có thể đánh giá toàn diện những mặt được và chưa được của mô hình này. Tuy nhiên, với những kết quả bước đầu đạt được, có cơ sở để tin rằng trong thời gian tới mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh và tăng thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.
Ngọc Huế