Trong hai ngày diễn ra kỳ họp, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm. Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là chuyện quy hoạch đất đai, tiến độ thực hiện các dự án, bồi thường giải tỏa và nhất là an sinh xã hội.
Trong hai ngày diễn ra kỳ họp, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm. Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là chuyện quy hoạch đất đai, tiến độ thực hiện các dự án, bồi thường giải tỏa và nhất là an sinh xã hội.
BỨC XÚC VỚI QUY HOẠCH TREO
Đại biểu Trịnh Tuấn Liêm (tổ ĐB Biên Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: T. Thúy
Theo đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), không chỉ trong các buổi tiếp xúc cử tri mà hiện nay đi đến đâu cũng nghe dân bức xúc về tình trạng quy hoạch treo. Ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) có đến 20 dự án xây dựng nhưng chưa có dự án nào hoàn thành. Ngay cả huyện miền núi như Xuân Lộc cũng “vướng” 4 dự án lớn chưa triển khai. “Quy hoạch treo gây khó khăn cho người dân trong việc xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, chuyển nhượng, thế chấp, ngay cả việc hưởng các chế độ chính sách nhà nước như đăng ký điện, con em đi học… Đây là một trong những nguyên nhân khiến số đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương tăng cao nhưng tỷ lệ giải quyết đơn đạt thấp” - ông Vở cho hay.
ĐB Quách Ngọc Lan, Trưởng ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng, đối với giải pháp tiếp tục rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhưng tiến độ còn rất chậm. Bà Lan đề nghị trong thời gian tới, các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, kể cả rà soát lại các quy định liên quan và tăng cường nhân lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho các dự án triển khai đúng tiến độ.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Hoàng Văn Dung (Sở Tài nguyên - môi trường) đề nghị chính quyền cần sớm thông báo công khai quy hoạch tổng thể và chi tiết để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. ĐB Thích Huệ Hiền (Tỉnh hội Phật giáo) đề nghị UBND tỉnh mỗi tháng nên nghe báo cáo tiến độ thực hiện của các sở, ngành một lần nhằm rà soát, kiểm tra, đôn đốc, kể cả xác định trách nhiệm vướng là từ khâu nào.
NHIỀU CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CHẬM THỰC HIỆN
Thiếu kinh phí đền bù, giải tỏa Theo giải trình của Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm, tại kỳ họp, phần lớn các dự án chậm triển khai là do thiếu nguồn kinh phí đền bù giải tỏa. Cụ thể, như dự án xây dựng nút giao thông Vườn Mít, kinh phí đền bù lên đến 600 tỷ đồng trong khi nguồn ngân sách dành cho xây dựng của địa phương vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, do việc thay đổi giá đền bù đất trong năm còn chờ điều chỉnh, nên công tác đền bù giải tỏa một số dự án, trong đó có dự án nạo vét suối Săn Máu tiến độ thực hiện chậm. |
Về chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, các ĐB cho rằng tiến độ thực hiện còn quá chậm. Tính đến nay mới khởi công xây dựng được 13/85 công trình trường học (đạt 15,2%) và 9/36 công trình nhà công vụ (đạt 25%). Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, như: tỷ lệ trường chuẩn quốc gia còn thấp so với cả nước; công tác xã hội hóa giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao...
Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Phú Cường cho biết, Biên Hòa đang phải đối phó với tình trạng học ca 3 do mật độ tăng dân số cơ học trên địa bàn hiện rất cao, nhất là tại các phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân. “Chúng tôi chạy theo chỉ tiêu xóa học ca 3 cũng đã quá nặng nề rồi, nói gì đến đạt chuẩn quốc gia. Để giải quyết tình trạng này, phải xây thêm lớp trong trường học, tăng thêm sĩ số học sinh/lớp, việc này đồng nghĩa với trường không đạt chuẩn quốc gia. Mất thành tích chúng tôi cũng chịu chứ không thể để học sinh không có chỗ học” - ông Cường nói.
Theo tính toán của ĐB Huỳnh Văn Tịnh (Liên đoàn lao động tỉnh), trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, tỷ trọng của khu vực tư nhân chiếm quá lớn, đến 88,3%. Ông Tịnh cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân mà Nhà nước khó kiểm soát được giá cả khiến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục bị đẩy tăng cao trong thời gian qua, chỉ số tiêu dùng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng đến 12%, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, công nhân lao động, đối tượng chính sách, và trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
ĐB Nguyễn Văn Quyết (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết, trong khi các thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và khu công nhân lao động, thì một số thiết chế xây dựng xong lại không phát huy được hiệu quả. Qua khảo sát của ngành, nhiều trung tâm văn hóa - thể thao hiện nay chỉ có đúng cái… hội trường mà thiếu các phòng chức năng, không có sân thể thao, không có các hạng mục dành cho thiếu nhi. Ông Quyết đề nghị, công tác xây dựng quy hoạch quỹ đất giai đoạn 2011-2015 cần quan tâm đến quy hoạch quỹ đất xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao cơ sở, đồng thời thiết kế xây dựng cần có ý kiến về chuyên môn của ngành cho phù hợp.
Nhiều vấn đề an sinh xã hội khác, như: hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và tai nạn lao động… cũng được các ĐB “mổ xẻ” tại kỳ họp. Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư cho rằng, để thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, cần tăng cường trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành, các cấp.