Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh niên ra sức làm giàu

08:09, 30/09/2011

Hai năm một lần, Đoàn thanh niên cụm miền Đông Nam bộ lại tổ chức liên hoan - tuyên dương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi. Năm nay, Tỉnh đoàn Đồng Nai là đơn vị đăng cai tổ chức liên hoan, diễn ra trong hai ngày 30-9 và 1-10 với chủ đề “Tuổi trẻ miền Đông chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Hai năm một lần, Đoàn thanh niên cụm miền Đông Nam bộ lại tổ chức liên hoan - tuyên dương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi. Năm nay, Tỉnh đoàn Đồng Nai là đơn vị đăng cai tổ chức liên hoan, diễn ra trong hai ngày 30-9 và 1-10 với chủ đề “Tuổi trẻ miền Đông chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Những gương mặt thanh niên tham gia liên hoan chính là những điển hình về nghị lực vượt khó, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

 * Nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu

Anh Nguyễn Tiến Tùng là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tam Thành Nguyên, đồng thời là bí thư chi đoàn khu phố 2 (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trong thời gian làm cơ khí, nhận thấy nhu cầu về bù-loong, ốc vít sẽ tăng cao nên ý tưởng kinh doanh mặt hàng này của mình được nhen nhóm từ đó”. Năm 2008, anh mạnh dạn mở doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh về bù-loong, ốc vít. Ban đầu, doanh nghiệp của anh luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, áp lực về vốn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và sự tư vấn từ phía Đoàn phường nên mọi khó khăn dần qua đi.

Anh Văn Thành Toàn hướng dẫn thao tác bọc trái ổi cho công nhân.    Ảnh: N.Tuyết
Anh Văn Thành Toàn hướng dẫn thao tác bọc trái ổi cho công nhân. Ảnh: N.Tuyết

Tương tự, anh Trần Ngọc Mạnh (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) với mô hình sản xuất bao tay bảo hộ lao động cũng bắt đầu sau sự thất bại của mô hình chăn nuôi heo thịt. Ban đầu với số vốn tự có ít ỏi của gia đình, anh đầu tư một máy làm thử, quen dần anh trang bị thêm 5 máy. Đến nay, cơ sở của anh Ngọc Mạnh có 30 máy, mỗi ngày sản xuất 6.000 đôi bao tay.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều thanh niên thành công trên chính mảnh đất của mình. Tiêu biểu như anh Văn Thành Toàn, Bí thư chi đoàn Công ty TNHH Thọ Vực (huyện Xuân Lộc). Anh đã mạnh dạn nhận khoán đất của nông trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây dứa truyền thống sang trồng mít, ổi. Đến nay, anh có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Anh Thành Toàn chia sẻ: “Giai đoạn khó khăn nhất cũng đã qua, giờ cuộc sống gia đình mình đã được đảm bảo”.

Còn anh Ưng Cún Tắc (xã Bình Lộc, TX. Long Khánh) là Bí thư đoàn ấp Bình Gia, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhận được 7 triệu đồng từ nguồn vốn của quỹ quốc gia giải quyết việc làm, anh đã triển khai trồng ổi. Không dừng lại ở đó, với đặc thù của địa phương chủ yếu trồng ổi, anh còn chủ động liên hệ thu gom ổi, mang về cung cấp tại các chợ đầu mối. Từ đó gia đình anh thoát khỏi tình cảnh khó khăn, vươn lên ổn định.

 * Góp phần xây dựng nông thôn mới

Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, nhiều điển hình thanh niên còn có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn - Hội, giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Là một bí thư chi đoàn khu phố, phải làm gì để giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên tại địa phương là điều anh Trần Ngọc Mạnh trăn trở. Từ chỗ giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình, đến nay cơ sở của anh có thể đảm bảo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương, mỗi tháng thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người. “Từ khi làm tại cơ sở này, lao động ở đây giống như đoàn viên nòng cốt mỗi khi có hoạt động nào mình huy động đoàn viên tham gia dễ dàng hơn” - anh Ngọc Mạnh cho biết.

Trong khi đó, không chỉ tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, anh Văn Thành Toàn còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương một cách hiệu quả. Cụ thể, nhận thấy hiệu quả từ mô hình của gia đình anh, nhiều người trong vùng đã học tập kinh nghiệm và làm theo. Giờ đây, trên vùng đất Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), bên cạnh những đồi mía, đồi dứa bạt ngàn đang dần được xen kẽ bởi màu xanh của những vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ giúp đỡ về mặt giống, kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc, anh còn lập nên quỹ hỗ trợ vốn cho đoàn viên thanh niên trong công ty.

Nói về vai trò của thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Hàng năm Tỉnh đoàn phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, các hội thi nâng cao tay nghề… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn… hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho thanh niên lập thân lập nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Nguyễn Tuyết


 

 

 

Tin xem nhiều