Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác phẩm phải mang tính giáo dục và thuyết phục cao

08:10, 16/10/2011

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa phát động cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Văn Tới, UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức cuộc thi.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa phát động cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Văn Tới, UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức cuộc thi.

* Xin đồng chí cho biết vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua?

- Các cơ quan truyền thông đã tham gia vào công tác tuyên truyền ở các cấp độ: chuyển tải thông tin về những gương điển hình, kết quả cuộc thi đến với công chúng một cách sâu rộng và nhanh chóng; các bộ phận của hệ thống truyền thông đều tham gia dự thi. Trong 5.578 bài dự thi của cuộc thi năm 2009-2010, có sự đóng góp rất lớn của lực lượng phóng viên với nhiều tác phẩm đạt giải cao, có sức cuốn hút, lay động mạnh mẽ. Ở Đồng Nai có sự sáng tạo là khi có tác phẩm dự thi rồi thì không phải chỉ dừng lại ở các thao tác chấm điểm, trao giải mà đã biết cách đưa các tác phẩm này đến với công chúng thông qua các kênh truyền thông. Những tác phẩm đoạt giải cao đã được những giọng đọc diễn cảm - chọn lựa từ những người đoạt giải trong các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - chắp thêm cho bài viết đôi cánh cảm xúc, sau đó lưu vào đĩa CD và phát hành xuống cơ sở, phát hàng ngày trên các đài truyền thanh địa phương. Cách làm này đã chắp cánh thêm cho các tác phẩm đến với công chúng. Như vậy, giới truyền thông đã làm được hai việc: giúp ban tổ chức phát hiện những tấm gương điển hình và chuyển tải những giá trị này trở về với cộng đồng.

* Bên cạnh những ưu điểm đó, đồng chí có thể chỉ ra những hạn chế của cuộc thi vừa qua?

- Khi tổng kết, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã đánh giá rất cao về hiệu quả, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của cuộc thi. Lần này, sẽ xem những hạn chế ấy như những bài học kinh nghiệm để cuộc thi tiếp theo sẽ tốt hơn. Hạn chế ấy thể hiện ở bốn chỗ: Thứ nhất là chưa sâu rộng, đều khắp ở các địa phương, lực lượng. Thứ hai là việc chấm giải và trao giải của cuộc thi chưa đồng bộ. Thứ ba là vẫn chưa phát huy được hết giá trị của các tác phẩm dự thi. Thứ tư là cuộc thi chưa thực hiện được vấn đề xã hội hóa. Các giải thưởng phần lớn được lấy từ ngân sách nên còn hạn hẹp. Xã hội hóa ở đây không phải là chỉ với tính cách đi xin thêm tiền cho giải thưởng, mà phải làm sao vận động các lực lượng xã hội cùng tham gia, cùng khuyến khích, cùng động viên và cùng thụ hưởng các giá trị của tác phẩm. Có như vậy, sức lan tỏa mới sâu rộng hơn.

* Cụ thể, sẽ khắc phục như thế nào, thưa đồng chí?

- Để đồng bộ, lần này Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo đều được thống nhất về một đầu mối. Việc chấm giải, trao giải đều được tổ chức chung, chỉ khác nhau về tiêu chí của từng thể loại. Và để phát huy hết giá trị của tác phẩm dự thi, những tác phẩm có chất lượng, được giải sẽ được tập hợp in thành sách, những tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ được trình diễn, giới thiệu đến công chúng bằng ngôn ngữ loại hình của nó. Có như vậy, các giá trị của tác phẩm mới lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân hơn nữa. Việc xã hội hóa cũng được khắc phục, toàn xã hội cần phải ủng hộ và chia sẻ các giá trị của cuộc thi này. Đây là những vấn đề khó, nhưng Ban tổ chức sẽ có gắng khắc phục.

* Lần này, từ khi phát động đến kết thúc nhận bài chỉ trong vòng 2 tháng (từ nay đến 15-12-2011), làm cách nào để cuộc thi có chất lượng và hiệu quả?

- Thời gian có vẻ ngắn, nhưng thực chất không phải vậy. Bởi vì cuộc thi này không phải là lần đầu tiên, sự hiểu biết và cảm xúc về cuộc thi đã có sẵn trong các tác giả, mọi người đã có tâm thế rồi, chỉ cần được khơi gợi là có thể bắt tay vào cuộc sau khi biết thể lệ cuộc thi. Nguyên liệu cho cuộc thi là những điển hình, hoạt động từ cơ sở cũng đã được gieo cấy thành hệ thống giá trị trong nhiều năm qua, các tác giả không cần phải vất vả đi tìm kiếm các thể tài, đối tượng và dữ liệu nữa.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh văn Tới trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh văn Tới trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.

 

Nếu như các tác giả là người có tâm huyết thật sự, thì thời gian còn lại cũng đủ để gia cố cho tác phẩm ra đời. Vậy, áp lực thời gian nhiều nhất lại thuộc về Ban tổ chức và Ban giám khảo để có thể trao giải cuộc thi vào cuối năm theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

* Đồng chí có thể cho biết thêm, tác phẩm có chất lượng cần phải đạt những yêu cầu gì?

- Đây là cuộc thi lớn liên quan đến các vấn đề tư tưởng, đạo đức. Tác phẩm có chất lượng, trước hết cần phải có tính chân thật, những điển hình, hoạt động được nêu phải có thực trong cuộc sống. Trong văn chương, tác giả có quyền hư cấu, nhưng sự sáng tạo này không thể thoát ly thực tế cuộc sống và phải mang hơi thở cuộc sống. Trước khi hay, phải đúng, bởi đây là những điển hình được nhân rộng và nêu gương. Kế tiếp, tác phẩm phải mang tính giáo dục và thuyết phục cao, tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc để mọi người làm theo và nhân rộng. Đây là những tiêu chí chung nhất, nhưng trong từng thể loại thì thể hiện khác nhau, như văn phong báo chí phải ngắn gọn, súc tích, tiểu thuyết thì phải có nhân vật…Chung quy lại, tác phẩm có chất lượng cần phải đạt những tiêu chí: đúng, hay và thuyết phục.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Hà Lam (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều