Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an ninh trật tự nhờ làm tốt hòa giải cơ sở

08:10, 17/10/2011

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT giữa Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” do tỉnh vừa tổ chức, nhiều đại biểu đã đánh giá cao công tác hòa giải cơ sở của huyện Long Thành.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT giữa Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” do tỉnh vừa tổ chức, nhiều đại biểu đã đánh giá cao công tác hòa giải cơ sở của huyện Long Thành. Nhờ làm tốt công tác này mà huyện Long Thành đã hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) địa phương.

* Công tác hòa giải giúp giữ gìn ANTT

Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ ANTT, an toàn xã hội ở địa phương nên huyện Long Thành đã thành lập các ban, tổ hòa giải cơ sở tại các xã, thị trấn, xóm, ấp. Qua thời gian triển khai xây dựng, đến nay, trên địa bàn huyện có 15 ban hòa giải xã, thị trấn với 145 thành viên, 97 tổ hòa giải khu, thôn, ấp với 540 thành viên. Về cơ cấu tổ chức, ban hòa giải ở xã gồm thành viên Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể, do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ở các khu (xóm, ấp) gồm cán bộ Mặt trận và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể do trưởng ấp làm tổ trưởng. Để các ban, tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, hàng năm UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật, kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các ban, tổ hòa giải cơ sở hoạt động.

Cán bộ tổ hòa giải ấp 1 xã Long An đang bàn phương án hòa giải một vụ tranh chấp.
Cán bộ tổ hòa giải ấp 1 xã Long An đang bàn phương án hòa giải một vụ tranh chấp.

 

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy và chính quyền địa phương nên công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Long Thành thời gian qua đã góp phần ổn định được tình hình ANTT vốn khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp trong cộng đồng xã hội.

Theo thống kê, những năm qua, các ban, tổ hòa giải cơ sở ở huyện Long Thành đã tiếp nhận 473 đơn, thư khiếu kiện liên quan đến các vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, trong đó có nhiều vụ khá gay gắt, phức tạp. Do vậy, việc hòa giải, thuyết phục các bên hoặc nhiều bên tranh chấp đồng ý chấm dứt xung đột là việc làm không hề đơn giản. Bằng nỗ lực và uy tín của mình, các ban, tổ hòa giải đã tham gia hòa giải thành công 356 đơn (đạt tỷ lệ 75,3% đơn).

* Giúp mọi người thấy rõ chân lý

Theo Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội huyện Long Thành, hòa giải cơ sở rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ ANTT, an toàn xã hội ở địa phương. Thông qua công tác này, các thành viên làm công tác hòa giải có điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp, khiếu kiện đạt được thỏa thuận và tự nguyện giải quyết với nhau những bất đồng, tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm, đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và xã hội, phòng ngừa, hạn chế các vụ vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT trong cộng đồng dân cư.

 

Theo nhiều cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở ở huyện Long Thành, để các bên tranh chấp đạt được sự thỏa thuận trong tranh chấp, quá trình tham gia hòa giải, cán bộ làm công tác hòa giải phải linh hoạt  vận dụng đúng các quy định của pháp luật, những phong tục, tập quán ở địa phương, những quy ước của làng nhưng không trái với pháp luật, đồng thời phải đi sâu phân tích, giải thích đúng sai, lý tình trọn vẹn để các bên tranh chấp đi đến thỏa thuận thống nhất. Trong trường hợp tranh chấp đôi bên phát sinh mâu thuẫn lớn, các ban, tổ hòa giải phải tiến hành hòa giải đơn phương từng bên để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của các bên. Sau đó, thành viên trong ban, tổ hòa giải trao đổi để đưa ra kế hoạch hòa giải phù hợp. Những lúc gặp vụ việc khó thì ban, tổ hòa giải phải nhờ đến người có uy tín trong gia đình, dòng họ của các bên cùng giúp đỡ, phân tích để “hóa giải” ngay từ đầu. Chị Nguyễn Hồng Châu (trưởng ấp 1, xã Long An, đồng thời là tổ trưởng hòa giải ấp) chia sẻ kinh nghiệm hòa giải thành công những vụ khiếu kiện phức tạp ở cơ sở. Cách đây không lâu, ông Đ.V.M. ở tổ 8, ấp 1, xã Long An và ông láng giềng T.V.X. xảy ra tranh chấp con mương thoát nước bên nhà. Tháng 8-2010, ông M. kêu thợ về xây bức tường rào bao quanh ngôi nhà của mình để phòng ngừa kẻ gian đột nhập trộm cắp, tường rào được xây sát bờ ranh đất ở của ông X. Khi  hàng rào được xây xong thì ông X. đào một con mương thoát nước chạy sát chân tường rào nhà ông M. Thấy con mương thoát nước có nguy cơ làm sập bức tường rào nhà mình, ông M. có ý kiến. Từ đó, giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn gay gắt, chẳng ai muốn nhìn mặt nhau và có nguy cơ xảy ra xung đột. Thấy vụ việc ngày càng căng thẳng, ông M. đã làm đơn gửi lên ấp nhờ can thiệp. Tiến hành thụ lý, hòa giải vụ việc này, tổ hòa giải ấp 1 nhận thấy về mặt lý thì cả hai ông đều không sai, vì ai cũng thực hiện công trình trên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, về mặt tình thì có điều không ổn. Vận dụng các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là sự khơi gợi tình nghĩa xóm giềng “tối lửa, tắt đèn có nhau” trong lúc hòa giải, thành viên trong tổ hòa giải đã đi sâu phân tích tình, lý cho hai ông này nghe, để rồi đi đến thỏa thuận ông X. chấp nhận phương án dời con mương ra xa khu vực nguy hiểm cho bức tường nhà ông M. và chấm dứt tranh chấp.

Theo kinh nghiệm của các thành viên trong các ban hòa giải cơ sở ở huyện Long Thành, bí quyết dẫn đến thành công trong việc hòa giải các vụ tranh chấp là cán bộ hòa giải phải tìm hiểu rõ nguyên nhân xảy ra tranh chấp. Khi tiến hành hòa giải, cần kiên trì gặp gỡ các bên để giải thích, thuyết phục có tình, có lý và nên hòa giải từng bên trước, rồi mới hòa giải chung. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chọn địa điểm hòa giải cho thích hợp, có khi phải đến hiện trường. Trong khi hòa giải, những người không phận sự không được xen vào; không phân công những thành viên trong ban, tổ hòa giải có quan hệ với một trong các bên tranh chấp để tránh sự thiên vị. Những vụ việc tranh chấp về đất đai, xích mích trong gia đình, xóm giềng cần mời những người cao tuổi, có uy tín, hiểu biết vụ việc cùng tham gia.

Minh Hiển

 

 

 

 

Tin xem nhiều