Qua những lần tiếp xúc với cán bộ làm công tác ở ấp, khu phố, điều chúng tôi cảm thấy thú vị là khi được họ kể lại quá trình vận động triển khai làm đường, bắt cầu, góp gạo và tiền cho hộ nghèo…Ở đó, những hành động của cán bộ cơ sở đã thuyết phục và thấm sâu vào lòng dân.
Qua những lần tiếp xúc với cán bộ làm công tác ở ấp, khu phố, điều chúng tôi cảm thấy thú vị là khi được họ kể lại quá trình vận động triển khai làm đường, bắt cầu, góp gạo và tiền cho hộ nghèo…Ở đó, những hành động của cán bộ cơ sở đã thuyết phục và thấm sâu vào lòng dân.
Ông Nguyễn Văn Minh, ban điều hành ấp 1 (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bộc bạch, chuyện ông làm cho dân không nằm ngoài trọng trách của người phó ấp phụ trách an ninh trật tự, chi hội trưởng nông dân ấp, tổ trưởng tổ vay vốn. “Có chăng là vì tôi hòa đồng, gần gũi bà con nên mọi người hay tìm đến nhờ chuyện này, chuyện kia. Hơn nữa, một phần tôi có tính bao đồng, thấy bà con thắc mắc chuyện gì là quyết làm cho ra lẽ. Từ đó bà con quý mình, tin mình, còn bản thân mình cũng có thêm nhiều thông tin từ bà con” - ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Đức Thứ (trưởng ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, phải) và trưởng ban công tác Mặt trận ấp giới thiệu đoạn đường tổ 17 vừa bê-tông hóa. Ảnh: Diễm Quỳnh
Còn bà Nguyễn Thị Bích Thu, trưởng ban công tác Mặt trận ấp 7 (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho biết, ấp có đông đồng bào dân tộc nên để nâng cao nhận thức, hiểu biết của bà con, trước tiên bà chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Trong đó, bà luôn xem trọng công tác vận động học sinh ra lớp, khuyến học, xóa mù chữ. “Nếu bà con chưa đọc thông viết thạo thì rất khó tiếp cận các chủ trương, chính sách của cấp trên, đồng thời cũng rất khó ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện, nâng cao đời sống”.
Ở ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) giờ đây những con đường mới mở khang trang do nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông Nguyễn Đức Thứ, trưởng ấp Bình Hòa cho biết, hiện ấp đã kiên cố hóa được 70% số tuyến đường giao thông nông thôn. Ông cùng ban điều hành ấp còn vận động nhân dân đóng góp kinh phí nâng cấp và mở rộng đường cấp phối tại các tổ, khu thưa dân cư, đường thăm đồng để tránh lầy lội khi mùa mưa, gồ ghề, bụi bặm vào mùa nắng: “Trước, trong và sau khi làm chúng tôi đều thực hiện đúng quy trình, công khai các khoản thu, có sự giám sát của nhân dân. Còn cách làm thì nơi nào có nhu cầu cấp bách và đủ tiềm lực góp vốn với nhà nước thì chúng tôi đăng ký triển khai trước. Nơi nào khó khăn thì vận động các nơi có điều kiện giúp sức, hộ khá cho hộ khó khăn mượn hoặc lập dự án xin cho dân vay vốn để làm đường…” - ông Thứ cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương đều cho biết, nếu thiếu vai trò của những người trong ban điều hành ấp, khu phố và đại diện các tổ chức đoàn thể ở ấp, khu phố thì những chủ trương, chính sách khó đến với nhân dân. Cán bộ ấp, khu phố chính là cầu nối giữa chính quyền với dân và giữa dân với chính quyền. Một khi cán bộ ấp, khu phố phát huy tốt vai trò nhiệm vụ ở cơ sở, tích cực vận động quần chúng tham gia làm đường, làm cầu, nhà tình thương và các hoạt động giảm nghèo, giúp đỡ người khó khăn…thì nơi ấy không còn đường lầy lội, giảm hộ nghèo, an ninh trật tự đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng đi lên...
Đoàn Phú