Trong hai ngày diễn ra, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2011, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.
Trong hai ngày diễn ra, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2011, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, năm 2011, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và những nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Đồng Nai đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H. Anh |
QUYẾT LIỆT VƯỢT KHÓ
[links(left)]Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh: năm 2011, bằng sự nỗ lực chung, kinh tế-xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển đáng mừng: GDP tăng 13,3%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; GDP bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng; tăng trưởng ngành công nghiệp đạt khá, trong đó 9/9 nhóm ngành công nghiệp chủ lực đều tăng; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đạt cao, đã chú trọng thu hút những dự án có công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường; xuất khẩu tăng 30,3% so với năm trước; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả…
Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, đã có 39/43 chỉ tiêu đạt và vượt. 13 chỉ tiêu vượt, gồm: tăng trưởng ngành nông lâm ngư nghiệp; GDP bình quân đầu người; thu ngân sách; kim ngạch xuất khẩu; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thu hút vốn đầu tư qua đăng ký kinh doanh; tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng; tỷ lệ cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt; các chỉ tiêu về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại; tỷ lệ tập hợp quần chúng trong độ tuổi; tỷ lệ lực lượng đoàn viên, hội viên nòng cốt trong các đoàn thể chính trị - xã hội và tỷ lệ phát triển đảng viên mới |
Giải trình thêm về những kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, đồng chí Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chưa có năm nào cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như năm 2011. “Tuy nhiên, các tổ hợp kinh tế lớn của tỉnh đều vượt qua thách thức, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Điều này đã góp phần giúp tỉnh thu ngân sách nhà nước vượt 13,4% so với dự toán ngân sách giao với trên 22,6 ngàn tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 13 ngàn tỷ đồng (vượt 11%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 8 ngàn tỷ đồng (vượt 10%)”- đồng chí Trần Minh Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là địa phương thực hiện khá tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Theo đó, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ổn định, phát triển sản xuất; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách (trên 60 tỷ đồng), tạm dừng trang bị mới xe ô tô, thiết bị văn phòng; thực hành tiết kiệm trên 90 triệu kwh; đình hoãn, cắt giảm, giãn tiến độ các dự án với tổng vốn trên 200 tỷ đồng; tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm cấp bách. Đồng Nai cũng đã triển khai chương trình bình ổn giá 7 mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, sách giáo khoa); tổ chức nhiều hoạt động đưa hàng về nông thôn và đến các khu công nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo phấn khởi cho biết, năm 2011, ngành nông nghiệp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là đã chuyển giao nhiều kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân; công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có hiệu quả; nhóm cây trồng chủ lực (7 loại cây, trong đó có 4 loại cây công nghiệp và 3 loại cây ăn quả) từng bước phát huy được hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo chuyển biến ở nhiều địa phương…
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐỂ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Phú Cường đóng góp ý kiến. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, như: Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm, Sonadezi, Donafoods…cho rằng, để đạt được con số doanh thu cao trong năm 2011, doanh nghiệp đã nỗ lực xoay xở và cố gắng bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để giữ vững được hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ cơ chế, chính sách ưu tiên ở các đơn vị có liên quan. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Sonadezi cho biết, để thực hiện các dự án trong năm 2012, Sonadezi đang thiếu khoảng 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, với lãi suất ngân hàng cao và tiến độ thực hiện các dự án chậm do vướng công tác đền bù giải tỏa, rất khó khăn để doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa Quách Văn Đức lại đề nghị tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính. Ông Đức cho rằng, có quá nhiều thủ tục, văn bản chồng chéo lẫn nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Và để hoạt động hiệu quả, năm 2012, Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ phải tái cấu trúc lại toàn bộ nhằm giảm bớt vốn vay, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Nguyễn Văn Được lại cho rằng, khó khăn của địa phương này vẫn là công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án đồng thời bố trí nơi ở tái định cư ổn định cho người dân. “Long Thành hiện có rất nhiều dự án lớn đã, đang và sẽ được triển khai với 1,5 ngàn hecta đất phải thu hồi. Tuy nhiên, hiện công tác tái định cư cho người bị thu hồi đất còn chậm, gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương và người dân”- đồng chí Nguyễn Văn Được nói.
Trong khi đó, dù chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số thành tựu quan trọng với 3/18 xã điểm hoàn thành 33/33 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tiễn triển khai ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh cho rằng, cần thiết phải xây dựng mô hình nông thôn mới theo nguyện vọng người dân, bởi nếu mô hình không phù hợp thì sẽ khó phát triển. Tương tự, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng không thể hiệu quả nếu như ngành nghề đó không phù hợp với năng lực, nhu cầu đầu ra của địa phương. Đồng ý với quan điểm này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo đề nghị phải xác lập từng bước đi trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn để đem lại lợi ích cho từng hộ nông dân. “Quy hoạch tổng thể trong nông nghiệp thì chúng ta đã có nhưng phải gắn quy hoạch với xây dựng nông thôn mới. Phải thay đổi cách làm để làm sao nâng cao được mức sống cho người dân, giúp người dân phát triển kinh tế hộ gắn với hợp tác xã để sản phẩm họ làm ra có nơi tiêu thụ…”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo nói.
Nguyễn Phượng