20 năm qua, với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân, huyện Xuân Lộc đã vươn lên một cách ngoạn mục, trở thành địa phương phát triển toàn diện, về mọi mặt.
20 năm qua, với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân, huyện Xuân Lộc đã vươn lên một cách ngoạn mục, trở thành địa phương phát triển toàn diện, về mọi mặt.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nguyễn Minh Nhật cho biết, xuất phát từ huyện nông thôn miền núi, sản xuất nông nghiệp chiếm trên 85% tổng sản phẩm xã hội, trình độ sản xuất kém, quy mô nhỏ, lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,2 triệu đồng/năm, qua các kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đều thống nhất định hướng: Phát huy nội lực đi đôi với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương...
* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng
Xác định lĩnh vực nông nghiệp vẫn là thế mạnh, huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao và mở rộng diện tích nông nghiệp. Cụ thể, nhiều câu lạc bộ năng suất cao được thành lập, như câu lạc bộ trồng tiêu có năng suất cao gần 4 lần; điều, bắp cao gấp 2,2-2,4 lần. Mô hình trang trại trên địa bàn huyện phát triển nhanh chóng. Đến nay, toàn huyện có 516 trang trại với tổng diện tích trên 4,4 ngàn hécta, tổng giá trị sản xuất của các trang trại trong năm 2011 là trên 926 tỷ đồng, chiếm 15,1% GDP của huyện.
Một góc trung tâm thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc). |
Mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trên địa bàn huyện được triển khai hiệu quả, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện năm 2011 đạt trên 1.528 tỷ đồng (tăng 9,8% so với năm trước), giá trị sản xuất bình quân đạt 175,9 triệu đồng/hécta.
Song song đó, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, gắn liền với phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều cơ sở cơ khí, chế biến nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, vận tải hàng hóa gắn với vùng nguyên liệu sản xuất được hình thành. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp với tỷ lệ: 41,4% - 26,7% - 31,9%. Thu ngân sách của huyện tăng trưởng bình quân trên 22%, GDP đạt 15% (cao hơn GDP chung của tỉnh)…
* Quan tâm đảm bảo an sinh xã hội
Một trong những phương hướng phát triển của Đảng bộ huyện là gắn tăng trưởng kinh tế với chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong đó, các công trình hạ tầng được ưu tiên xây dựng với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 5.458 tỷ đồng; 60% tuyến đường giao thông do huyện quản lý được nhựa hóa; 46,3% đường liên xã và 25,3% đường trục thôn xóm được bê tông hóa. Từ chỗ 100% xã chưa có điện sinh hoạt, đến nay tỷ lệ số hộ dùng điện đạt 99,89%, 97,2% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo Nguyễn Công Danh cho biết: “Năm 1991, cơ sở vật chất của huyện thiếu thốn trăm bề, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng học ca ba diễn ra phổ biến, thậm chí có nơi học sinh còn phải học ca bốn. Thế mà đến nay hệ thống các cấp học, bậc học đã phát triển đều khắp ở các cơ sở từ huyện đến xã, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 50,74% (cao nhất tỉnh). Huyện cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục với việc huy động được trên 25 tỷ đồng xây dựng 220 phòng học”.
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng của bộ máy chính quyền, từ nhiều năm nay huyện Xuân Lộc đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ công chức, viên chức. Từ năm 2000 đến nay, toàn huyện có 3.125 lượt cán bộ, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trong đó 38,8% được đào tạo bậc cao đẳng, đại học trở lên. Huyện đã có 4 tiến sĩ từ nguồn đào tạo trên, hơn 10 cán bộ công chức khác đang theo học sau đại học và nghiên cứu sinh. |
Trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Xuân Lộc hiện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế xã; các trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh phục vụ ổn định và được trang bị một số máy móc hiện đại. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện cũng giảm từ 2,21% xuống còn 1,13%.
Nếu như trước đây, Xuân Lộc là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 20,8% dân số của huyện, thì đến nay đã giảm còn 4,32% (theo chuẩn mới của tỉnh). Bằng nhiều nguồn lực, trong đó chủ yếu là tự thân giúp nhau, đặc biệt là từ hưởng ứng và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn huyện vận động được trên 4,3 tỷ đồng chăm lo cho người nghèo; xây dựng được trên 3 ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương với tổng trị giá hơn 29 tỷ đồng. Hàng năm, huyện giải quyết việc làm cho bình quân khoảng 7 ngàn lao động…
Đời sống tinh thần của người dân Xuân Lộc cũng luôn được chú trọng. Từ 2 thiết chế văn hóa ban đầu đến nay toàn huyện đã có 14 thiết chế văn hóa; 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng; 93% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 93,4% khu, ấp được công nhân văn hóa; 14/15 xã, thị trấn được công nhận lành mạnh, không có ma túy mại dâm; 3 xã được công nhận là xã văn hóa nông thôn mới.
Hà Lam