Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận tại kỳ họp thứ 3, HĐND khóa VIII: Cần tạo đột phá để phát triển bền vững

10:12, 07/12/2011

Trong 2 buổi thảo luận tại tổ vào ngày 7-12, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh không chỉ đóng góp nhiều ý kiến cho các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, mà còn lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng phải quyết liệt giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đã nêu.

Trong 2 buổi thảo luận tại tổ vào ngày 7-12, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh không chỉ đóng góp nhiều ý kiến cho các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, mà còn lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng phải quyết liệt giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đã nêu.
 

Các đại biểu HĐND tổ đại biểu TP. Biên Hòa thảo luận. Ảnh: T. Thúy
Các đại biểu HĐND tổ đại biểu TP. Biên Hòa thảo luận. Ảnh: T. Thúy

[links(left)]Mặc dù vẫn còn ý kiến bày tỏ sự quan ngại về yếu tố phát triển bền vững, nhưng phần lớn các đại biểu đều phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được của tỉnh nhà và nhận định đây là nỗ lực của toàn Đảng bộ trong năm qua.

3 NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
ĐB Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định, năm 2012 có thể sẽ nảy sinh các biến động bất ngờ, nếu không kiềm chế lạm phát dưới 2 con số thì đời sống của người dân chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong mục tiêu của năm 2012, UBND tỉnh không thể chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà cần xác định nhiệm vụ góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát.

Theo dự thảo của UBND tỉnh, mục tiêu trong năm 2012 là tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao gắn với mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tốt, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội nhằm không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực - một trong hai nhiệm vụ đột phá của năm 2012 do UBND tỉnh đề ra, ĐB Trương Văn Vở cho rằng không cần thiết phải phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn vì Đồng Nai rất gần với TP. Hồ Chí Minh nên có thể kết nối đào tạo. Thay vào đó, cần phải quan tâm hơn nữa đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động của tỉnh có đến 360 ngàn là lao động nông thôn, nếu không có sự đột phá ở lĩnh vực này, Đồng Nai sẽ khó tiến nhanh trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, cũng cần phải có sự đột phá trong phát triển dịch vụ kho bãi và logictis. Theo ĐB Vở, thời gian tới các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để giải quyết các vấn đề, như: nâng tỷ lệ thu hút đầu tư tại các KCN, nhất là KCN miền núi; xây dựng đề án phát triển các KCN phụ trợ, phát triển khu đô thị Nhơn Trạch, hoàn thành hạ tầng các vùng khuyến khích chăn nuôi đã được phê duyệt.
Đồng tình với ý kiến của ĐB Trương Văn Vở, ĐB Nguyễn Hòa Hiệp (Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất) cho rằng, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn cần có sự thay đổi, nên chú ý đào tạo nghề nông thôn chứ không phải thành thị. Trong đào tạo nghề, nên gắn kết với doanh nghiệp để tạo việc làm sau khi đào tạo, đồng thời giảm được chi phí đào tạo từ ngân sách.

GIÁO DỤC: PHẢI ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Một trong những vấn đề an sinh xã hội được các ĐB quan tâm thảo luận là giáo dục, đặc biệt là bậc học  mầm non. Nhiều ĐB tỏ ra bức xúc trước tỷ lệ chỉ có 17% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu trường lớp, như ở phường Long Bình (TP. Biên Hòa) hiện có khoảng 100 ngàn dân nhưng không có một nhà trẻ, trường mẫu giáo nào, người dân phải gửi trẻ ở các điểm giữ trẻ gia đình không đảm bảo chất lượng. ĐB Nguyễn Phú Cường (Bí thư Thành ủy Biên Hòa) cho biết, Biên Hòa có đặc thù là vừa tiếp nhận luồng lao động nhập cư từ các tỉnh khác, vừa có sự chuyển dịch lao động từ nông thôn lên thành thị, nên so với các địa phương khác Biên Hòa nảy sinh nhiều vấn đề. Trong đó, khó khăn lớn nhất của Biên Hòa hiện nay là trường lớp quá tải, nhất là tại các khu tập trung đông lao động nhập cư, như: Hóa An, Long Bình. ĐB Cường phân tích: Công ty PouChen ở xã Hóa An hiện có 20 ngàn lao động nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu bình quân mỗi nữ công nhân chỉ có 1 con thì sẽ có 20 ngàn cháu cần phải đi học. Lấy mức 35 em/lớp làm chuẩn thì riêng ở xã này cần có 571 phòng học - một con số quá lớn mà ngân sách địa phương khó có thể kham nổi. ĐB Cường dự báo: hiện nay Biên Hòa đang còn tình trạng học ca ba, nhưng với tốc độ tăng dân số và tiến độ xây dựng trường lớp như hiện nay thì đến năm 2013, Biên Hòa sẽ có tình trạng học ca bốn. Vì vậy, ĐB Cường đề nghị cần vừa có sự hỗ trợ về ngân sách, vừa có cơ chế phù hợp cho Biên Hòa để có thể thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.
ĐB Nguyễn Minh Nhật (Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc) nhận định, đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề mà địa phương phải thực hiện, tuy nhiên thời gian qua, trường học thì thiếu mà các công trình xây dựng trường học đình trệ do thực hiện việc cắt  giảm đầu tư công. Theo chương trình kiên cố hóa trường lớp, có 130 công trình được xây mới, nhưng đến nay chỉ mới khởi động được 30 công trình, trong đó hoàn thành 6, vậy liệu từ nay đến hết năm 2012 có hoàn thành được mục tiêu đề ra? Vì vậy, phải có sự đột phá trong lĩnh vực giáo dục để đẩy nhanh  tiến độ thực hiện chương trình.

MÔI TRƯỜNG, ĐẤT ĐAI: CẦN QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ
Theo đánh giá của các ĐB, tiến độ triển khai các dự án chậm nguyên nhân chủ yếu là vướng ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài một số vấn đề về cơ chế chính sách địa phương cần kiến nghị lên trung ương để tháo gỡ, các cơ quan chức năng của tỉnh còn cần phải “ngồi lại với nhau” để phối hợp tốt hơn. Cụ thể, thời gian qua một số dự án sau khi thực hiện áp giá đền bù giải tỏa, gửi lên Hội đồng thẩm định giá tỉnh thì cơ quan này 6 tháng sau mới trả lời là không đồng ý mà không đưa ra lý do khiến dự án kéo dài dẫn đến chuyện người dân bức xúc. Bên cạnh đó, bảng giá đất năm 2012 tăng đến 15% là chưa hợp lý mà cần xem xét lại ở các điểm giáp ranh và đất tại các xã trên địa bàn TP. Biên Hòa. Ở dự án khu đô thị Long Hưng và quốc lộ 51 vẫn áp dụng giá đất của huyện Long Thành là không phù hợp cũng khiến cử tri bức xúc.

Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, báo cáo giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh cho thấy số liệu 49% cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh chưa đạt chuẩn về chuyên môn là không thể chấp nhận được. Thời gian tới, UBND tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã, những ai không chịu đi học để chuẩn hóa chuyên môn cần phải mạnh dạn loại ngay ra khỏi bộ máy hành chính.

Một đề nghị trong lĩnh vực đất đai được các ĐB nhấn mạnh là cần phải sớm xóa “dự án treo”. Các ĐB cho rằng cần phải tổng rà soát lại khả năng thực hiện quy hoạch, xem dự án nào không khả thi thì sắp xếp lại, không để tình trạng này tiếp tục kéo dài gây khó khăn cho đời sống người dân. Ngoài ra, về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ĐB Nguyễn Trí Thức (Hội Cựu chiến binh tỉnh) cho rằng con số đạt 96,1% là chưa đúng, cần xem xét lại thực chất.
Liên quan đến phát triển kinh tế bền vững, các ĐB đề nghị cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường. Trong những năm qua, việc thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, nhưng nên thu hút có trọng tâm, trọng điểm nhằm mục tiêu đảm bảo yếu tố thân thiện môi trường, có hàm lượng chất xám cao. Việc các cơ quan chức năng “nắm” được danh sách 143 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là tốt, nhưng trong xử lý vẫn còn thiếu kiên quyết. Nhiều đại biểu đồng tình với giải pháp gắn chip điện tử ở khu vực nước thải đầu ra để theo dõi tình hình xả thải của các doanh nghiệp.
Theo ĐB Huỳnh Văn Tịnh (Bí thư Huyện ủy Thống Nhất), vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hiện nhiều địa phương chưa thực hiện tốt, tỷ lệ đạt thấp, tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý rác trên địa bàn còn chậm. Hiện nhiều hộ gia đình không đăng ký thu gom rác, vứt rác sinh hoạt bừa bãi tại các khu vực vắng người hoặc nơi công cộng, tạo ra bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, cần phải xử lý mạnh.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều