Báo Đồng Nai điện tử
En

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Vũ khí xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình

07:02, 26/02/2012

Thường trực Tỉnh ủy vừa tổ chức quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong cán bộ chủ chốt. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Chí Bảo, ủy viên, Thư ký Hội đồng Lý luận trung ương về việc đưa các Nghị quyết trên của Đảng vào cuộc sống.

Thường trực Tỉnh ủy vừa tổ chức quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong cán bộ chủ chốt. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Chí Bảo, ủy viên, Thư ký Hội đồng Lý luận trung ương về việc đưa các Nghị quyết trên của Đảng vào cuộc sống.

* Thưa GS.TS Hoàng Chí Bảo, Giáo sư có thể cho biết khái quát về các vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết đã nêu? Trong các vấn đề đó, đâu là vấn đề cấp bách nhất, quan trọng nhất cần phải thực hiện ngay?

- GS.TS Hoàng Chí Bảo: Chúng ta đều biết Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) vừa rồi đã xác định ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Vấn đề đầu tiên là phải kiên quyết phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Nghị quyết xác định đây là vấn đề cấp bách nhất, vấn đề “cấp bách của mọi cấp bách” và là vấn đề bao trùm, xuyên suốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, và phải kiên quyết nhanh chóng thực hiện, đẩy lùi tình trạng này để đảm bảo Đảng trong sạch, vững mạnh.

Vấn đề thứ hai là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao, đặc biệt là ở cấp trung ương. Vấn đề cuối cùng là phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong liên hệ với các cơ quan nơi công tác và nơi làm việc. Đó là ba vấn đề được Trung ương đã thống nhất cao.

Nghị quyết được xây dựng lần này có thể nói là khâu đột phá về tư duy lý luận của Đảng, thể hiện trách nhiệm rất cao của Đảng đối với dân tộc, đối với nhân dân. Vì nếu không xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, không giải quyết được những vấn đề cấp bách này sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, sinh mệnh của Đảng, thành bại của cách mạng.

* Nghị quyết đã xác định ba vấn đề trên rất quan trọng, vậy làm thế nào để đưa vào thực hiện có hiệu quả trong thực tế, thưa Giáo sư?

- Giải quyết được các vấn đề lý luận là tiền đề rất quan trọng. Kế tiếp là cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là trong các tổ chức Đảng. Phải thực hiện cho được hệ thống các giải pháp mà Nghị quyết đã nêu, trong đó giải pháp rất quan trọng là phê bình và tự phê bình, đề cao trách nhiệm của cấp ủy và sự gương mẫu của người đứng đầu trong toàn Đảng. Vấn đề là phải dựa vào dân để dân góp ý cho Đảng, giúp Đảng trong sạch vững mạnh; đánh giá cán bộ, thậm chí phải lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trong thời gian nhiệm kỳ.

Phải tổ chức trong toàn Đảng thực hiện cho được công việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đó là động lực tinh thần lớn của Đảng. Thực hành dân chủ trong Đảng để thúc đẩy thực hành dân chủ trong xã hội, nhất là phải kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, đoàn thể, xây dựng hệ thống chính trị để thực sự là hậu thuẫn cho Đảng, giúp Đảng tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu.

* Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, theo Giáo sư đâu là ưu tiên trước mắt?

- Ưu tiên trước mắt chính là vấn đề phê bình và tự phê bình. Việc này Trung ương đã nhấn mạnh và Tổng bí thư cũng đã nói là phải làm ngay. Nó xuất phát từ trách nhiệm, lương tâm đạo đức của từng người, từng cán bộ đảng viên đối với vận mệnh của Đảng và đời sống của nhân dân. Muốn vậy, phải có sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy từ trung ương trở xuống, từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các cấp ủy của địa phương để thực hiện cho được cuộc vận động phê bình và tự phê bình, thực hiện quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh bắt đầu từ đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Một việc khác cũng cần phải làm ngay, đó là xây dựng quy hoạch cán bộ và chủ động thực hiện ngay từ cấp trung ương. Với Nghị quyết này, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải tính đến quy hoạch của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa sau, ở cấp ủy địa phương cũng phải như vậy. Vấn đề thứ ba là phải sửa ngay các chế độ chính sách bất hợp lý, tạo điều kiện, động lực vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, quần chúng phát triển, cống hiến, phấn đấu. Vấn đề thứ tư là phải đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục chính trị trong Đảng.

Thưa Giáo sư, phải chăng hiện nay trong quần chúng nhân dân, thậm chí một bộ phận đảng viên vẫn có sự hoài nghi về tính khả thi của Nghị quyết?

Đấy là một thực tế. Thực tế này trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật đó là lỗi của chúng ta, bởi vì các Nghị quyết của Đảng không thiếu nhưng chúng ta thực hiện không đến nơi đến chốn, không làm triệt để và thấu đáo đã dẫn đến cảm giác hoài nghi đó. Vì thế, lần này phải tăng cường giáo dục, thuyết phục sao cho mọi người thống nhất trong nhận định rằng: Đây là một Nghị quyết cực kỳ quan trọng, nếu không thực hiện được thì cơ đồ sẽ bị thách thức, sự nghiệp sẽ bị thách thức, địa vị lãnh đạo của Đảng sẽ bị thách thức, trên nền nhận thức đó mỗi đảng viên sẽ phải có hành động. Và phải có niềm tin là sẽ thực hiện được. Để giải phóng tâm lý đó, trong toàn Đảng từ trên xuống dưới, từ trung ương đến từng địa phương, từng cơ sở Đảng phải có hành động cụ thể để chứng minh, phải hành động quyết liệt thì sẽ tạo ra được niềm tin.

* Vấn đề phê bình và tự phê bình là một vấn đề rất khó. Làm thế nào để các tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và thực chất, thưa Giáo sư?

- Đúng thế. Phê bình và tự phê bình là một vấn đề quan trọng nhưng rất khó, rất nhạy cảm. Khó, bởi vì nó đụng vào các rào cản về tâm lý, nhất là trong tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của chủ nghĩa cá nhân vụ lợi. Khó, nhưng vẫn phải làm và để làm cho tốt, theo tôi trước hết người lãnh đạo cần phải có dũng khí. Từ lãnh đạo cao nhất cho đến lãnh đạo cấp dưới nếu có dũng khí trung thực, tự phê phán mình trước thì sẽ thúc đẩy được người khác, còn phê bình đây là phê bình công việc, thúc đẩy công việc tốt hơn chứ không xúc phạm con người.

Quan trọng hơn, phải có chế tài, phải gắn với Nhà nước pháp quyền chứ chỉ động viên đạo lý chung chung thì khó đi vào thực chất. Phải gắn với các quy định, quy tắc, chuẩn mực để thi hành, và phải có chế tài để kiểm soát, xử lý những việc làm không đúng. Trong thực hiện chế tài phải cụ thể hóa rất nhiều điểm. Ví dụ, trong nguyên tắc tập trung dân chủ phải quy định những điểm cụ thể, như: trong quan hệ cá nhân giữa cá nhân và tập thể, quyền lợi và trách nhiệm, thẩm quyền và nghĩa vụ… Phải xử lý nghiêm khắc những sai trái, thậm chí phải sàng lọc lại đội ngũ để không có những kẻ cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, vụ lợi làm hỏng thanh danh của Đảng lại ở trong các cơ quan lãnh đạo. Đấy là chế tài. Theo tôi, còn một chế tài khác đến từ áp lực của quần chúng nhân dân, sự đánh giá của nhân dân, tiếng nói của nhân dân chính là sự chế tài về mặt tinh thần.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

Thanh Thúy (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều