Trong cuộc thi viết, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011 của tỉnh, tác giả Nguyễn Thị Khánh (giáo viên nghỉ hưu ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) với tác phẩm “Học theo gương Bác” đã đoạt giải Nhì ở thể loại báo in. Báo Đồng Nai xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết trên.
Trong cuộc thi viết, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011 của tỉnh, tác giả Nguyễn Thị Khánh (giáo viên nghỉ hưu ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) với tác phẩm “Học theo gương Bác” đã đoạt giải Nhì ở thể loại báo in. Báo Đồng Nai xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết trên.
Khen thưởng các điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
Những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn rộn ràng. Làm thủy lợi, trồng cây gây rừng, vỡ đất hoang, hội họp, mít tinh, tập hát những bài ca cách mạng…, tuổi trẻ chúng tôi tham gia rất nhiều sinh hoạt mới mẻ theo đúng lời Bác dạy được cắt dán, kẻ vẽ trên các băng-rôn: “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”. Miền quê tôi sống lúc ấy có nhiều bộ đội đến ở chung trong nhà dân. Đúng là bộ đội Cụ Hồ. Hầu hết đều đẹp trai, hồng hào, khỏe mạnh. Các anh sống rất đàng hoàng tử tế, vui vẻ, nhiệt tình. Một anh bộ đội đang ở nhà chú tôi biết tôi vốn là sinh viên nên đã tặng cho tôi tập thơ “Nhật ký trong tù”. Tôi đâu ngờ rằng khi tôi lật từng trang sách, tôi cũng lật cuộc đời tôi sang những trang mới đầy tin yêu, hy vọng.
Tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi trước một tấm gương giản dị mà vĩ đại. Trong bóng tối lao tù, Bác vẫn không khuất phục trước hoàn cảnh. Trái lại, tư tưởng, nhân cách của Người vẫn tỏa sáng. Tôi học được từ thơ Bác - những vần thơ ánh sáng tự do - niềm lạc quan, cách nhìn biện chứng đầy hy vọng trước những đổi thay: “Sự vật vần xoay đà định sẵn. Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Tôi cũng học được từ thơ Bác thái độ ứng xử trước những thử thách: “Nghĩ mình trong bước gian truân. Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Những câu thơ đầy bản lĩnh ấy gieo vào tâm hồn tôi những hạt mầm hy vọng, tạo thành động lực tiếp sức giúp tôi vượt mọi khó khăn.
Tôi còn học Bác cách nhìn ra thiên nhiên cuộc sống tốt đẹp chung quanh mình. Thơ Bác không chỉ thể hiện những tình cảm lớn lao của nhà cách mạng lỗi lạc về đất nước, nhân dân mà còn có những hình ảnh, tâm tư gần gũi, bình dị. Thơ Bác có tiếng gà gáy, tiếng chim hót, vầng dương buổi sớm, cơn gió buổi chiều, ánh trăng trong đêm. Thơ Bác cũng có hình ảnh người nông dân, trẻ mục đồng, bếp lửa hồng, tiếng giã gạo. Làm thơ ở xứ người, mà hình ảnh lại dào dạt tình quê. Tâm hồn Bác rộng mở biết bao.
Chính nhờ nghiền ngẫm kỹ thơ Bác, ba năm sau giải phóng, tôi đã thi đậu vào Đại học sư phạm. Tốt nghiệp đại học, tôi trở thành giáo viên ở một trường THPT. Những năm đầu trên bục giảng của tôi vẫn còn là những năm bao cấp, cuộc sống nhà giáo đầy khó khăn. Nhiều người không trụ nổi với nghề, phải bỏ ngang. Nhờ học theo gương Bác, tôi vững vàng hơn, đi suốt được con đường mình đã chọn cho tới cuối đời.
Là giáo viên Văn, tôi có cơ hội hướng dẫn học sinh tìm hiểu vẻ đẹp trong tác phẩm văn chương của Bác, vẻ đẹp của một trí tuệ lớn, tâm hồn lớn, dũng khí lớn, vẻ đẹp của ngòi bút giản dị tinh tế tài hoa thể hiện qua các áng thơ, truyện ký, văn báo chí chính luận. Không chỉ hướng dẫn học sinh tìm hiểu thật kỹ những tác phẩm của Bác có trong sách giáo khoa, tôi còn giúp học sinh tìm hiểu thêm nhiều lời dạy của Bác dành cho tuổi trẻ. Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sau này có thêm tiết Hoạt động ngoài giờ lên lớp, tôi thường cho các học sinh thảo luận về những lời dạy của Bác. Những câu nói giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc, trở thành danh ngôn trong kho tàng trí tuệ nhân loại. Từ những lời khuyên quen thuộc như “Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ mấy cũng phải hết sức tránh”, đến những bài thơ khích lệ nhiệt huyết năng lực thanh niên như “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Tôi cũng hướng dẫn cho học sinh kỹ năng làm việc, ý thức bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà tôi đã học được qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Gần ba mươi năm giảng dạy, tôi đã cố gắng học theo Bác. Mỗi lần đến lớp, nhìn lên ảnh chân dung Bác, nhìn dòng chữ “Dạy tốt - Học tốt” để nhớ lời Bác dạy, vượt qua mọi khó khăn. Nhớ lời Bác dạy để tạo được những mối quan hệ tốt đẹp: “Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau”.
Ngày trước thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã không ngừng học hỏi. Học theo gương Bác, tôi và nhiều đồng nghiệp khác trong trường đã không ngừng phấn đấu, trở thành những “tấm gương sáng” về tự học, về đạo đức cho học sinh noi theo. Nhiều giáo viên đã có bằng thạc sĩ, có người tiếp tục nghiên cứu sinh. Giờ đây, khi đã giã từ bục giảng, giã từ trường lớp về hưu trí, tôi vẫn học Bác. Học thái độ an nhiên, lạc quan khi thêm một tuổi đời: “Nhân vị ngũ tuần thường thán lão, Ngã kim thất cửu chính khang cường. Tự cung thanh đạm tinh thần sảng, Tố sự thung dung nhật nguyệt trường”. Học lời dạy của Bác trong đối nhân xử thế, nhất là khi đã ở độ tuổi tri thiên mệnh: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Tôi tự hào mình đã nỗ lực phấn đấu cùng góp phần xây dựng quê hương, cùng học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Khánh