(ĐN) – Chiều 24-4, tại Hội thảo khoa học "Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc dến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định lãnh đạo quân và dân địa phương nổi dậy mùa xuân 1975 trên hướng Đông thành phố”. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí.
Đồng chí Lê Hoàng Quân |
(ĐN) – Chiều 24-4, tại Hội thảo khoa học "Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc dến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định lãnh đạo quân và dân địa phương nổi dậy mùa xuân 1975 trên hướng Đông thành phố”. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí.
Cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi ấy là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trước hết và cơ bản nhất là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đường lối ấy được Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định quán triệt và vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong quá trình lãnh đạo quân, dân địa phương tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, chấp hành sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã phân tích chính xác tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp và tổ chức lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng vũ trang toàn thành phố nói chung, trên hướng Đông Sài Gòn nói riêng làm nên thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
1. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sài Gòn - Chợ Lớn là thủ đô của ngụy quyền, nơi tập trung các cơ quan đầu não của chế độ bù nhìn tay sai với một hệ thống chính trị, quân sự dày đặc; trong đó, hướng đông là nơi có quốc lộ 1 nối ra miền Trung, sông Lòng Tàu nối ra biển Đông và hệ thống kho tàng, quân cảng đặc biệt quan trọng.
Đối với ta, Sài Gòn không chỉ giữ vị trí chiến lược trong phong trào đấu tranh đô thị toàn miền Nam mà còn là địa bàn hoạt động sôi nổi, liên tục của các lực lượng cách mạng qua các giai đoạn lịch sử. Sự phối hợp các tầng lớp, giai cấp trong cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định có hình thái khá đặc biệt, kết hợp bí mật, công khai và bán công khai; hợp pháp và bán hợp pháp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp độc đáo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định, công tác binh vận đã được chỉ đạo phát huy sức mạnh tiến công trong đánh phá bình định nông thôn và trong phong trào đô thị; có khả năng tranh thủ, lôi kéo binh lính, nhân viên ngụy quyền, các phe phái chống Mỹ, ngụy nhằm cô lập kẻ thù chính, mở rộng mặt trận đoàn kết với các lực lượng tiến bộ trên thế giới; xây dựng và nắm chắc lực lượng nội tuyến trong lòng địch, phát huy cao độ phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân.
Từ cuối năm 1974, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, về công tác đô thị miền Nam trong tình hình mới và chủ trương của Trung ương Cục về việc mở cuộc tiến công đều khắp nhằm làm chuyển biến cục diện trên toàn chiến trường, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã đề ra nhiệm vụ: “Tập trung chống địch bình định, tiếp tục mở nhiều lõm giải phóng, chuyển lên tranh chấp nhiều mức độ khác nhau trên nhiều hướng, phá lỏng kềm ở vùng nông thôn quanh Sài Gòn, bung dân ra, giành quyền làm chủ, xây dựng bàn đạp đứng chân vững chắc cho các lực lượng vũ trang ven đô, tạo thế chuyển biến nhanh, chuẩn bị điều kiện cho tấn công nổi dậy giải phóng Sài Gòn khi thời cơ xuất hiện”.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thành ủy đề ra những chủ trương và biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, chống ỷ lại, ngại khó, chần chờ, co thủ trong cán bộ đảng viên; triển khai công tác chuẩn bị đồng bộ ở cả ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận); củng cố lại tổ chức lãnh đạo các cấp. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, binh vận. Trung đoàn đặc công Rừng Sác, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, lực lượng biệt động 316 cùng dân quân du kích phối hợp với bộ đội chủ lực Miền tiến công hàng loạt cứ điểm, giải phóng nhiều khu vực ở vùng trung tuyến, kéo sát đến ven đô, mở thêm nhiều lõm chính trị, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho lực lượng vũ trang, tạo ra một cục diện mới trên hướng Đông Sài Gòn, địa bàn các quận Nhà Bè, Thủ Đức.
2. Mùa xuân năm 1975, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc nhanh chóng nắm lấy thời cơ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trong năm 1975, sau khi hoàn thành bước chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực trên phạm vi cả nước, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh mở cuộc tổng tiến công chiến lược. Ngày 29-3-1975, Trung ương Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 15 đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: “Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng chiến lược, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”. Tiếp đó, ngày 8-4-1975, tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền, Nghị quyết của Bộ Chính trị thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh) được công bố.
Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, ngày 12-4-1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra chỉ thị hướng dẫn những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng. Đồng thời phát hành các tài liệu, như: “lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định”, “Bảy điều về chính sách binh vận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, “Mười chính sách đối với vùng giải phóng”, “Tài liệu hướng dẫn quần chúng hành động trước, trong và sau tổng công kích, tổng khởi nghĩa…”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo tổ chức lại lực lượng và hệ thống lãnh đạo các cấp. Từ căn cứ, Thành ủy chuyển dần về áp sát nội đô. Đảng bộ các quận, huyện, ban ngành được chỉ đạo thành lập Ủy ban khởi nghĩa và xây dựng kế hoạch tiến công nổi dậy ở từng khu vực, tất cả khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”. Ở nội thành và vùng ven, nhiều lõm chính trị với hàng vạn quần chúng; nhiều tổ chức bí mật, công khai, bán công khai; nhiều đội tuyên truyền xung phong với truyền đơn, áp phích được in sẵn; 12.000 lá cờ giải phóng được học sinh, sinh viên chuẩn bị; lực lượng biệt động thành… trong tư thế sẵn sàng tiếp quản Sài Gòn. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chỉ huy Miền tăng cường 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn đặc công biệt động và 4 tiểu đoàn bộ binh tham gia chiến dịch, được bố trí trên các hướng, trong đó ưu tiên hướng Đông Sài Gòn với nhiệm vụ: đánh chiếm và làm chủ các cầu trên các trục đường vào thành phố để tạo điều kiện và hướng dẫn quân chủ lực trên các hướng tiến nhanh vào thành phố; cùng quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu đã được phân công, giữ vững các lõm và hành lang áp sát thành phố; phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh và chiếm giữ tất cả các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu từ ngày 26-4-1975. Trên cơ sở nhiệm vụ đã được xác định, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân phối hợp với lực lượng của trên thực hành tổng tiến công và nổi dậy rộng khắp. Trên năm hướng về Sài Gòn, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh và tiêu diệt các căn cứ quân sự của địch, bắt tù binh và tiến vào đánh chiếm các mục tiêu trong nội đô. Lực lượng biệt động dựa vào dân quân du kích và nhân dân tại chỗ đánh chiếm các đầu cầu quan trọng như cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, cầu Chữ Y, cầu Tân Thuận,…
Tại cầu Rạch Chiếc, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng ngã xuống trong những ngày chiến đấu bảo đảm đường hành tiến của các đơn vị chủ lực trên các đầu cầu quan trọng ven đô hướng Đông thành phố. Những ngày cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã phổ biến rộng rãi lời kêu gọi và chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sự đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định… Nêu cao truyền thống quyết chiến, quyết thắng và bản chất quân đội ta, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại”. Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công thần tốc vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã huy động mọi lực lượng, mọi khả năng, kể cả việc tranh thủ một bộ phận lực lượng trong phong trào chính trị đô thị - lực lượng thứ ba vào nhiệm vụ để đánh sập hoàn toàn chế độ Sài Gòn.
Sáng 30-4-1975, các binh đoàn chủ lực tiến sát nội ô thành phố. Các đơn vị biệt động theo phân công cùng phối hợp hoặc độc lập đánh chiếm các mục tiêu. Lực lượng được phân công tổ chức dẫn đường cho xe tăng và các đơn vị bộ binh chủ lực. Một bộ phận trong lực lượng phong trào chính trị đô thị đã nổi dậy hành động cách mạng. Các lực lượng bí mật, công khai chiến lược của ta có mặt tại Dinh Độc Lập và đã tiếp cận với Tổng thống Dương Văn Minh. Cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng ngụy đã tác động Tư lệnh Biệt khu thủ đô Lâm Văn Phát ra lệnh cho các đơn vị quân đội án binh bất động và thúc đẩy Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng. Những hành động trên đã góp phần hạn chế đổ máu, tạo thêm thuận lợi cho quân và dân tiến vào Sài Gòn.
Cùng với hoạt động của lực lượng vũ trang, nhân dân Sài Gòn - Gia Định nhất tề nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Ở ngoại thành, quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ tự nổi dậy giành chính quyền ở 90% ấp. 2/3 số xã nổi dậy giành chính quyền trước khi bộ đội tiến vào. Trong nội thành, nhân dân nổi dậy phá thế kềm kẹp, gỡ đồn bót, chiếm giữ tòa hành chính ở các quận, các công sở, các cơ sở kinh tế… Công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức xuống đường vận động nhân dân treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, hỗ trợ truy quét bọn ác ôn còn lẩn núp trong thành phố, điều hòa giao thông, giữ ổn định trật tự thành phố ngay sau ngày Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng.
Thành công của Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 nói riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Trung ương; là sự đóng góp sức người, sức của hết sức to lớn của cả nước. Đó là, Thành ủy đã vận dụng một cách đúng đắn, linh hoạt đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam để hoạch định chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, sát hợp với vị trí và đặc điểm của đô thị; Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đoàn kết một lòng vượt qua mọi hy sinh gian khổ, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước; nhân dân và lực lượng vũ trang đã không ngừng sáng tạo và thực hiện thành công nghệ thuật đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận; tạo ra được một hậu phương tại chỗ, tổ chức và sử dụng có hiệu quả sự chi viện to lớn của đồng bào miền Nam, đồng bào cả nước cho cuộc kháng chiến.
3. Ba mươi bảy năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố có bước trưởng thành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Thành phố chúng ta đã tạo được những bước bức phá về nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Với khoảng 6,6% dân số cả nước, TP.Hồ Chí Minh bằng sức mạnh tổng hợp trên địa bàn, đã vượt lên hàng đầu về mức GDP bình quân tính theo đầu người, đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn vào kinh tế cả nước, hơn 40% kim ngạch xuất khẩu, 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% tổng sản phẩm trong nước… Thành phố sau 37 năm xây dựng đã từng bước thay da đổi thịt, bước đầu mang bộ mặt mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ dạy.
TP.Hồ Chí Minh là một trung tâm về nhiều mặt và có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục ở tốc độ cao, có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới; đồng thời cũng tạo ra nhiều mô hình trong việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội nhằm góp phần xây dựng những chủ trương, đường lối phát triển đất nước. Những thành tựu đó bắt nguồn từ đường lối đổi mới của Đảng; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng và Chính phủ; sự giúp đỡ của cán bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước; sự nổ lực không mệt mỏi của toàn Đảng bộ, quân và dân TP.Hồ Chí Minh trên từng chặng đường lịch sử, khởi từ ngày 30-4-1975.