Cách đây 37 năm, quân và dân ta đã phối hợp đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho mặt trận hướng Đông tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy. |
Cách đây 37 năm, quân và dân ta đã phối hợp đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho mặt trận hướng Đông tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong hai ngày 24 và 25-4, Thường trực Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhằm làm rõ hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của hội thảo.
* Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 37 năm nhìn lại, đồng chí đánh giá thế nào về ý nghĩa và vai trò của chiến thắng Xuân Lộc trong mặt trận hướng Đông?
- Đồng chí Trần Đình Thành: Qua tổng kết lịch sử, tôi khẳng định rằng quyết định và quyết tâm của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền về việc mở Chiến dịch Xuân Lộc là hết sức đúng đắn trong hướng tiến công của mặt trận hướng Đông - mặt trận có vị trí quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Xem xét lại tình thế thời điểm đầu tháng 4-1975, địch tuy thua và mất nhiều cứ điểm chiến lược quan trọng, nhưng lực lượng ở Vùng 3 chiến thuật vẫn còn rất mạnh, lại được bổ sung từ Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 kéo về.
Chính quyền Sài Gòn lúc đó đã xây dựng tuyến phòng thủ từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh để làm vành đai bảo vệ trước sự tiến công của Quân giải phóng, trong đó Xuân Lộc với vị trí hiểm yếu chỉ cách Sài Gòn 80km được xem như là cánh cửa cuối cùng để cố thủ. Nếu Xuân Lộc vỡ, chắc chắn Sài Gòn sẽ lung lay, nên địch đã tập trung xây dựng “cánh cửa thép” này rất vững chắc. Ngày 28-3-1975, đích thân tướng Mỹ Weyand cùng tướng ngụy Cao Văn Viên đi thị sát và chọn Xuân Lộc làm phòng tuyến cố thủ với nhận định “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Và cũng thế, nếu quân ta không chọc thủng được phòng tuyến Xuân Lộc thì các cánh quân của mặt trận hướng Đông không thể tiến về Sài Gòn, hợp đồng tác chiến cùng bốn cánh quân kia tạo thành thế tiến công vũ bão đánh vào đầu não địch, đập tan sào huyệt cuối cùng của chế độ tay sai Sài Gòn. Rõ ràng, ta cần phải tấn công, giải phóng Xuân Lộc, Quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc là hoàn toàn sáng suốt về mặt chiến lược.
Chiến dịch Xuân Lộc còn thể hiện sự chỉ đạo chiến lược rất sáng suốt, đúng đắn của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Với yếu tố bất ngờ, hợp đồng tác chiến giữa Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang địa phương chặt chẽ nên ngay sau khi mở đầu chiến dịch vào 5 giờ 30 sáng 9-4-1975, ta đã làm chủ được tình thế, chiếm được một nửa TX.Long Khánh, cắm cờ cách mạng trên nóc dinh Tỉnh trưởng. Nhưng địch dựa vào hệ thống phòng thủ vững chắc, khí tài dồi dào cộng thêm chi viện mạnh từ Trảng Bom, Biên Hòa nên đã nhanh chóng tổ chức đánh trả. Trong trận Xuân Lộc, lần đầu tiên địch sử dụng loại bom CBU (một loại bom có sức công phá và sát thương rất mạnh) ở chiến trường miền Nam hòng ngăn chặn thế tiến công của quân ta. Trong 3 ngày từ 9 đến 11-4, quân ta dũng cảm chiến đấu, giành giật với địch từng tấc đất, chịu đựng hàng ngàn tấn bom, pháo, tổn thất về người và vũ khí rất lớn.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhanh chóng điều chỉnh chiến thuật, chuyển từ tiến công trực diện sang bao vây và diệt viện. Các cánh quân chi viện của địch đều bị ta chặn đánh hiệu quả từ vòng ngoài, dùng pháo khống chế sân bay Biên Hòa để triệt tiêu chi viện bằng không quân. Mất sự hỗ trợ này, bị cô lập từ bên trong, lại thêm áp lực đại quân ta từ Tây Nguyên đang kéo xuống, địch nhanh chóng rệu rã và đồng loạt tháo chạy. Sáng 21-4-1975, ta giải phóng hoàn toàn TX.Long Khánh. “Cánh cửa thép” đã bị đập tan trước ý chí quyết chiến quyết thắng quân dân ta.
* Năm 2003, Tỉnh ủy Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Quân đoàn 4 tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”. Hội thảo khoa học lần này có gì mới so với hội thảo trước, thưa đồng chí?
- Như ta đã biết, lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng ở mỗi một thời điểm sẽ có những nhận định, đánh giá khác, công bố nhiều tư liệu với cách nhìn mới mẻ, toàn diện, sâu sắc, khách quan hơn. Hội thảo lần này được tổ chức trên cơ sở kế thừa những tư liệu quý báu có được từ hội thảo trước, nhưng nét mới là không chỉ nói về Chiến dịch Xuân Lộc mà đặt trong bối cảnh mở rộng hơn, để làm rõ đây không phải chỉ là một chiến thắng thông thường mà là một trận đánh mang tính chất then chốt của mặt trận hướng Đông, góp phần thắng lợi vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hội thảo ngoài sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu quân sự, các nhà khoa học để có cái nhìn bao quát, tổng thể nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề, như: vai trò của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền… trong chỉ đạo chiến lược; bước phát triển trong nghệ thuật quân sự, sự hợp đồng tác chiến của các đơn vị bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị địa phương mà trực tiếp là quân dân Đồng Nai; đánh giá vị trí của mặt trận hướng Đông trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; ý nghĩa, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm cần phải rút ra trong Chiến dịch Xuân Lộc...
* Theo nhận định của đồng chí, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ Chiến dịch Xuân Lộc?
- Chiến dịch Xuân Lộc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và cần được nghiên cứu vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học lớn nhất có thể thấy từ chiến thắng Xuân Lộc, đó là tầm quan trọng của công tác chỉ đạo về chiến lược và sự phối hợp giữa các lực lượng để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Từ bài học trên cho thấy trong xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, chúng ta cần phải chọn ra mục tiêu trọng điểm, chủ yếu để tập trung thực hiện, giải quyết rốt ráo, dứt điểm; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng cần phải có tầm nhìn, phương thức, chiến lược phù hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu.
Tiến công vào sở chỉ huy Sư đoàn 18 của quân ngụy tại Xuân Lộc. Ảnh: T.L |
Trong Chiến dịch Xuân Lộc, ta ở thế tiến công, địch ở thế phòng thủ. Tuy nhiên, chính từ lịch sử ta cũng rút ra được bài học về xây dựng khu vực phòng thủ. Nhìn lại, thời điểm ấy địch xây dựng trận tuyến phòng thủ chủ yếu chỉ dựa vào phương tiện chiến tranh, khí tài dồi dào, hỏa lực mạnh, hào sâu lũy chắc, lực lượng đông mà không quan tâm đến “thế trận lòng dân”. Chỉ riêng việc đặt tên “cánh cửa thép” đã bộc lộ yếu điểm này, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của địch mà ta cũng cần phải rút ra và học hỏi.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng những thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt hơn. Việc mở rộng quan hệ quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng quốc phòng - an ninh của địa phương. Bên cạnh đó, tình hình chính trị - xã hội ổn định dễ dẫn đến một số lãnh đạo chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, giảm nhẹ quản lý, điều hành nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Những khó khăn về đời sống, phân hóa giàu nghèo; mâu thuẫn quyền lợi, tệ tham nhũng, quan liêu… cũng là những nguyên nhân cản trở việc xây dựng, hoàn chỉnh thế trận quốc phòng. Bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Xuân Lộc năm xưa nhắc nhở chúng ta luôn phải chú trọng đến công tác chỉ đạo. Do đó, tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt để tạo sự thống nhất về quan điểm, nhận thức trách nhiệm của cán bộ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, làm cho mọi người dân nhận thức đúng đắn tình hình, nhiệm vụ của địa phương, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời nhận rõ đối tượng, đối tác để có đối sách phù hợp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vấn đề cơ bản nhất để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Do đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố cơ bản trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức Đảng phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo và sinh hoạt Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy sức mạnh của nhân dân trong hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển và quản lý Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đóng góp và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Thúy
(thực hiện)