Là người sáng lập Đảng Cộng sản Nga, sinh thời, Lênin rất quan tâm đến việc xây dựng Đảng và đã chỉ ra nhiều phương pháp, biện pháp, cách thức khác nhau trong công tác này. Người cho rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên có vị trí và vai trò quyết định và sống còn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Nga, sinh thời, Lênin rất quan tâm đến việc xây dựng Đảng và đã chỉ ra nhiều phương pháp, biện pháp, cách thức khác nhau trong công tác này. Người cho rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên có vị trí và vai trò quyết định và sống còn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
V.I. Lênin, lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Ảnh: T.L |
V.I.Lênin chỉ rõ: “Trước hết, người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản phải là người có giác ngộ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có lòng trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác, với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của giai cấp vô sản, vì hạnh phúc của nhân dân lao động”. Lênin cho rằng, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, trung thành với lý tưởng của Đảng và đồng thời phải là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Xô-viết. Đảng viên phải là một mẫu mực về lòng trung thành đối với lợi ích của những người lao động, hết lòng hết sức phục vụ giai cấp vô sản, phục vụ nhân dân lao động trong nước, ủng hộ cách mạng vô sản trên thế giới; phải trở thành tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Lênin đặc biệt quan tâm đến trình độ của đội ngũ đảng viên. Theo Người, người đảng viên của Đảng cầm quyền phải là người có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng viên của Đảng phải là người có tính tổ chức kỷ luật cao.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, mang tính nền tảng trong tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản. Trong học thuyết về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, Lênin đã phân tích và chỉ rõ nguyên tắc tập trung dân chủ và dân chủ trong xây dựng Đảng. Theo Lênin, nguyên tắc này không chỉ là phương pháp và tác phong công tác của chính đảng vô sản cầm quyền mà trước hết, đây chính là chế độ tổ chức và nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Do đó, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, theo Lênin trong Đảng cần phải thực hiện kỷ luật chặt chẽ, thống nhất; thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên; tổ chức các cấp và toàn thể đảng viên của Đảng phải chấp hành nghị quyết đại hội đại biểu của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng còn là việc đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa tính tổ chức, tính kỷ luật, và tính tư tưởng trong Đảng.
Lênin đặc biệt quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Năm 1922, tại Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Nga, trong báo cáo chính trị đọc trước đại hội, Lênin đã nêu rõ sự cấp bách có tính sống còn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga khi thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) với tinh thần tự phê bình, phê bình thẳng thắn, sáng suốt của người cộng sản chân chính. Lênin cho rằng, chỉ có qua việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao cho, qua hoạt động trong tổ chức Đảng, chỉ có “Tắm mình trong phong trào quần chúng, sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình”, người cán bộ, đảng viên mới trưởng thành, được tôi luyện, và mới có được những phẩm chất cao quý tốt đẹp. Lênin nhấn mạnh “giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động nếu không có tự do thảo luận và phê bình”. Nhấn mạnh nguyên tắc về sự thống nhất giữa tính tổ chức và tính tư tưởng trong Đảng, song Người chỉ rõ “không có kỷ luật nào buộc đảng viên phải mù quáng tán thành mọi dự thảo nghị quyết do Ban chấp hành Trung ương thảo ra”.
Ngọc Anh